Phập phồng… cắt điện

24/05/2023 06:20

Trong nhiều ngày qua, việc cắt điện đang trở nên phổ biến hơn. Dù biết đây là bất khả kháng và được thông báo trước lịch cắt, nhưng doanh nghiệp và người dân luôn phập phồng không biết khi nào tới lượt nhận được thông báo.

Nhận được thông báo cắt điện của đơn vị điện lực, anh Trương Quốc Tuấn (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) giật mình lo lắng vì lịch cắt điện đúng vào hôm nhà anh tổ chức tân gia.

Mọi việc đã được chuẩn bị xong cả, giờ nhận được thông báo cắt điện từ 9h đến 17h. Nắng nóng như thế này mà cắt điện thì sao có thể ngồi ăn uống được? Hoãn thì cũng khó, vì đã đặt tiệc nấu sẵn, còn khách mời, dù chỉ là mấy anh em trong nhà, bạn bè thân thiết, thì báo hoãn cũng ngại- anh Tuấn cho hay.

Đến nay, dù khu vực nhà máy của anh Nguyễn Văn Nghĩa chưa bị cắt điện, nhưng ở khu dân cư gần đó đã cắt điện một lần, và anh Nghĩa đang phập phồng chờ đến lượt mình nhận thông báo cắt điện. 

Thông báo lịch cắt điện gửi tới khách hàng. Ảnh: HL

 

"Điện vô cùng quan trọng trong sản xuất, nếu cắt, nhà máy sẽ phải dừng hàng loạt dây chuyền, công nhân sẽ phải nghỉ làm, bởi hệ thống điện dự phòng cũng chỉ đáp ứng một phần sản xuất. Nếu cắt nhiều lần thì sẽ phải ngưng hoạt động vì không thể kham nổi chi phí nhiên liệu- anh Nghĩa nói.

Thực tế những ngày qua nguồn cung điện thiếu hụt do hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy, trong khi nhu cầu dùng điện tăng cao do nắng nóng.

Theo Công ty Điện lực Kon Tum, hiện nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán đã làm cho các hồ thủy điện trên cả nước thiếu nước nghiêm trọng, một số hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết.

Từ tháng 5 - 7/2023, dự báo nguy cơ thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng và các tháng 5, 6, 7.

Trong ngày 19/5, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia là gần 924 triệu kWh, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất lịch sử và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém, nên khả năng phát điện chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.

Khắc phục sự cố lưới điện. Ảnh: H.L

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phải cắt điện, như do sự cố, đơn vị điện lực bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thiết bị, đường dây… Ngoài ra còn có việc cắt điện luân phiên để giảm tải.

Dù do bất kỳ nguyên nhân gì thì việc cắt điện cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Ví dụ như, khi nắng nóng, không thể sử dụng các thiết bị điện như quạt điện, hay điều hòa; nông dân không thể sử dụng máy bơm nước điện để tưới cây; nhà máy, xí nghiệp không thể sản xuất như bình thường.

Thực trạng này đòi hỏi những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn trong quản lý và tiêu thụ điện.

Trong đó sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.

Mới đây, ngày 22/5, Bộ Công thương phát động tiết kiệm điện năm 2023 trên địa bàn toàn quốc. Tại buổi phát động, đại diện Bộ Công thương kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn cuối mùa khô, nhất là từ nay đến hết tháng 6/2023.

Theo đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ. Trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ.

Khuyến khích các hộ sử dụng điện sinh hoạt động đặt nhiệt độ trên 26 độ C; không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn; lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Đối với các doanh nghiệp, có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm. Chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, đầu tư lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia.

Ở tỉnh Kon Tum, ngành Điện đã chủ động lập và triển khai phương án đảm bảo cấp điện mùa khô; chỉ đạo các đơn vị khi công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện, phải rà soát kỹ phương án tổ chức thi công, bố trí thời gian tạm ngừng cung cấp điện phù hợp.

Mặt khác, tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện phục vụ người dân.

Tuy nhiên, ý thức và tinh thần tiết kiệm điện ở mỗi người cũng có vai trò hết sức quan trọng. Trong khi đó, thẳng thắn mà nói, đây vẫn là “điểm yếu”. Việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vẫn chưa thành thói quen.

Điều dễ nhận thấy là dù đang ở giai đoạn cao điểm, nhưng khi đêm về nhà nhà vẫn sáng trưng, có bao nhiêu bóng điện bật hết bấy nhiêu; máy lạnh, quạt điện chạy hết công suất. Không ít công sở, cán bộ, công chức, viên chức chưa có thói quen tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, hoặc hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn trong các giờ cao điểm.

Hơn bao giờ hết, để giảm bớt nỗi phập phồng cắt điện, hãy cùng nhau thựuc hiện và lan tỏa thông điệp "Tiết kiệm điện, thành thói quen".        

Hồng Lam

Chuyên mục khác