15/11/2023 13:02
Nhìn từ liên kết “4 nhà”
Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, mấy năm qua, ông Lê Ngọc Sơn (huyện Đăk Hà) đã chuyển đổi mô hình sản xuất từ các giống hoa truyền thống sang trồng các loại hoa trong nhà lồng, như hồng, lan hồ điệp, cúc, đồng tiền, hoa ly, mang lại thu nhập cao và ổn định cho gia đình.
So sánh ra, trước đây, tổng thu nhập từ hoa cúc là khoảng 120 triệu đồng/năm/0,5 ha, nhưng khi chuyển đổi, thu nhập tăng lên khá cao- ông Lê Ngọc Sơn cho hay
Gia đình ông Lê Ngọc Sơn chỉ là một trong hàng nghìn hộ gia đình nông dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ mối liên kết “4 nhà”, gồm nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp- nhà nông.
|
Với mối liên kết này, “nhà nông” không còn phải “tự bơi” một mình, mà có sự đồng hành của những “nhà” còn lại, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định “tập đoàn” cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đến hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được tính ưu việt của nó.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa “4 nhà” vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Trong đó, nổi lên là vai trò, nhiệm vụ của từng nhà trong mối liên kết còn chưa rõ ràng.
Đối với nhà nông, đa số vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường, chưa tính toán được chiến lược lâu dài.
Đặc biệt, do hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, vai trò của Nhà nước và nhà khoa học chưa phát huy được là bao; nhà doanh nghiệp lại tỏ ra thờ ơ, thiếu quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do vốn đầu tư lớn nhưng lại rủi ro cao và thu hồi chậm. Mặt khác, khi xảy ra tranh chấp, chưa có hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ giải quyết rõ ràng, phân minh trách nhiệm và quyền lợi.
Hệ quả là mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết hình thành và phát triển khó khăn. Trong đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân và nhà khoa học, doanh nghiệp với nhà nước vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Câu chuyện muôn thuở “được giá mất mùa, được mùa mất giá” khiến nông dân điêu đứng cũng xuất phát từ sự liên kết thiếu chặt chẽ trong mô hình “4 nhà”.
“Phân vai” cho “6 nhà”
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, mối liên kết “6 nhà” đã hình thành, với sự tham gia của “2 nhà” là ngân hàng và nhà phân phối, từ đó“khép kín” chuỗi liên kết.
Thực tế cũng đã chứng minh, để phát triển nông nghiệp bền vững, vai trò liên kết “6 nhà” là vô cùng quan trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm từ mối liên kết “4 nhà”, để liên kết “6 nhà” phát huy hiệu quả tích cực, cần khắc phục cho được sự lúng túng, từ đó phát huy tổng lực của các mối liên kết, đồng thời tạo dựng “sân chơi” công bằng, sòng phẳng cho nhà nông.
Trong đó, Nhà nước là “nhạc trưởng” để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết các “nhà” còn lại chặt chẽ và hiệu quả; đóng vai “trọng tài”, điều tiết các mối quan hệ một cách phù hợp.
|
Quan tâm thúc đẩy phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ các chính sách cụ thể về đất đai, nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực và định hướng tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp là “đầu tàu”, là động cơ của mối liên kết. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới có tiềm lực về vốn, công nghệ, giống cho nông dân, tuyển dụng nhà khoa học hỗ trợ nông dân; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm để đưa ra thị trường.
Doanh nghiệp còn giữ vai trò liên kết các nhà để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; đóng vai trò là người cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất, và trên hết là tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; dự báo định hướng thị trường cho nông dân sản xuất.
Các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cần quan tâm liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nhà nông, thay vì chỉ ký hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định.
Nhà khoa học cần nghiên cứu, chuyển giao giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng từng vùng, miền; nghiên cứu quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao; công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để nâng giá trị nông sản.
Ngân hàng ngày càng thể hiện vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi liên kết sản uất và tiêu thụ nông sản. Ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thị trường, rủi ro người vay, rủi ro thời tiết, dịch bệnh; tiết kiệm chi phí.
Nhà phân phối đang nổi lên là một khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi liên kết, với vai trò đưa đưa sản phẩm đến với khách hàng nhanh hơn, tốt hơn, và thương hiệu sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.
Đây là sự hiện diện tất yếu, vì không phải doanh nghiệp nào, người dân nào cũng có thể vừa sản xuất vừa tự bán sản phẩm của chính mình. Tất nhiên, vai trò của nhà phân phối không chỉ cần thể hiện trên cơ sở mua- bán, mà còn phải thể hiện ở việc tư vấn, hỗ trợ nông dân các phương thức phù hợp để tiếp cận thị trường.
Nông dân có vai trò quan trọng trong mối liên kết này, họ cần chung tay với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước để đẩy mạnh chuỗi liên kết bền vững để tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với sự bùng nổ công nghệ thông tin, ngoài các kênh phân phối truyền thống, nông dân cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ, bán hàng đa kênh, đặc biệt trên thương mại điện tử.
Thành Hưng