Phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất

07/11/2023 06:06

Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban cán sự đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã chỉ rõ thu ngân sách là 1 trong 5 chỉ tiêu dự kiến đến cuối năm khó đạt. Với quyết tâm phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất, trong các tháng còn lại của năm 2023, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Trong 9 tháng của năm 2023, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện được 2.194,22 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán; ước thực hiện cả năm 4.200 tỷ đồng, đạt 129% dự toán Trung ương giao, đạt 93,3% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 103,8% so với cùng kỳ năm trước (dự toán 4.500 tỷ đồng).

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này, trong đó, chủ yếu nhất vẫn là do khó khăn trong dự án khai thác quỹ đất. Theo thống kê, số thu từ các dự án khai thác quỹ đất thực hiện thu 9 tháng được 86.005 triệu đồng, đạt 6,9% dự toán (dự toán HĐND tỉnh giao tăng thu so với dự toán trung ương 1.252.863 triệu đồng), ước thực hiện thu cả năm được 210.000 triệu đồng, đạt 16,8% so dự toán. Số thu từ nguồn thu các dự án khai thác quỹ đất HĐND tỉnh giao tăng thu chưa đạt tiến độ dự toán là do thị trường bất động sản trong nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng trầm lắng. Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả bán đấu giá đất thành công rất ít, nên số nộp phát sinh rất thấp. Dự kiến hụt thu từ lĩnh vực này khoảng trên 1.000 tỷ đồng so dự toán HĐND tỉnh giao.

Nguồn thu từ các dự án phát triển quỹ đất thấp dẫn đến thu ngân sách chưa đạt. Ảnh: PN

 

Theo ông Nguyễn Văn Điệu- Giám đốc Sở Tài chính, thu ngân sách đạt thấp một phần do các dự án phát triển quỹ đất không bán được, thị trường bất động sản gần như đóng băng, kể cả các giao dịch mua bán đất của người dân cũng rất ít, vì vậy, dự kiến nguồn thu từ đây chưa đạt, dẫn đến hụt thu.

Để bù đắp khoản hụt thu nêu trên, các khoản thu dự kiến động viên tăng trưởng vượt thêm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu còn lại của các tháng cuối năm 2023. Cụ thể là tăng thu từ các nhà máy thuỷ điện phát điện vượt kế hoạch đầu năm (thuế VAT), khoản thu này dự kiến sẽ phát sinh lớn vào các tháng cuối năm. Bên cạnh đó là thuế VAT giải ngân vốn đầu tư công của các công trình từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn này sẽ tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm, theo đó số thuế VAT sẽ nộp tăng cao vào cuối năm. Khoản thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chủ yếu phát sinh từ số nộp của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh quản lý và các nhà máy tinh bột sắn, dự kiến cuối năm sẽ hoạt động hết công suất và phát sinh số nộp lớn. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, chủ yếu thu thuế VAT từ các mặt hàng nhập khẩu thường xuyên, dự kiến cuối năm phát sinh số nộp lớn.

Bên cạnh đó, khó khăn về việc di dời lưới điện gây chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cũng dẫn đến khó khăn trong nguồn thu. Tuy nhiên, hiện nay đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường và theo đó UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung phối hợp thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng trong việc di dời hệ thống lưới điện nêu trên

Đẩy mạnh các nguồn thu trong những tháng cuối năm. Ảnh: PN

 

Với quyết tâm phấn đấu thu ngân sách đạt ở mức cao nhất, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị và chính quyền, cấp ủy các cấp trong các tháng cuối năm cần phải tăng tốc, bứt phá một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể là theo dõi chặt chẽ tiến độ nguồn thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực loại thuế còn thất thu để kịp thời chỉ đạo ngành thuế phối hợp với các ngành và chính quyền các cấp để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của các chi cục thuế khu vực để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các công trình dự án trên địa bàn. Tăng cường các giải pháp để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước để bố trí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Trong những tháng cuối năm bám sát tình hình nộp ngân sách của từng địa bàn, nhất là những địa bàn có tiến độ thu đạt thấp để chỉ đạo phấn đấu hoàn thành dự toán. Đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời toàn bộ nguồn thu trên địa bàn và các khoản thu phát sinh phải nộp trong các tháng; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời số thuế và tiền thuê đất hết thời gian gia hạn theo chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ (Nghị định số 12/2023/NĐ-CP); các khoản phải thu theo kết luận phải thu của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

Triển khai quyết liệt các giải pháp về quản lý, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Phấn đấu hạn chế tối đa phát sinh các khoản nợ thuế mới, đặc biệt là các khoản tiền thuế - tiền thuê đất phải nộp khi hết thời gian được gia hạn. Công khai thông tin người nợ thuế và kiên quyết thực hiện cưỡng chế đối với các khoản nợ thuế dây dưa, chây ỳ.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, làm việc với các công ty thủy điện để nắm bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình thu nộp ngân sách, đề nghị các nhà máy thủy điện tăng cường hoạt động sản xuất thủy điện để hoàn thành dự toán được giao.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác