27/04/2020 13:06
Nhưng sao trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của A BLê, Y Thay và nhiều người dân làng Kon Long Buk (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) mà tôi gặp chiều nay lại ánh lên nét cười? Họ đang nối nhau đi trên đường nhựa nóng hầm hập, tay mang thùng, can, chai nhựa.
Tò mò quá. Tôi ghé lại hỏi rằng: Mọi người đi đâu đó. Nhiều tiếng đáp: Đi lấy nước. Rồi cười. Tiếng cười lăn theo triền đồi nắng cháy.
Tôi ngỏ ý muốn đi lấy nước cùng, nhưng lại ngập ngừng vì còn ngại đường xa, dốc cao, nắng cháy, sức mình không kham nổi. A BLê cười cười: Không xa đâu, đừng sợ. Đi theo tôi.
Hóa ra không xa thật. Hay đúng hơn là rất gần. Tôi bỏ xe ven đường, theo chân mọi người. Từ Quốc lộ 24, gặp con đường bê tông nhỏ nằm cạnh điểm trường mẫu giáo thôn 6 thì rẽ vào, đi chừng 50m là tới điểm lấy nước.
Khi chúng tôi tới thì đã có khá đông người đang chờ lấy nước. Người già có, thanh niên có, trẻ em lại càng nhiều. Người lớn thì lỉnh kỉnh can, thùng, trẻ em ôm khư khư chai nhựa, loáng thoáng vài mẹ vài chị đeo gùi, nắp gùi hé ra mấy vỏ bầu khô. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ làm dịu đi cái oi nồng của nắng chiều.
Ngay sau đó, ánh nhìn của tôi bị hút vào công trình cấp nước sinh hoạt khá “hoành tráng”, với khung sắt, mái lợp tôn, nền bê tông, xung quanh được vây kín bằng vòng rào kẽm gai, có cửa sắt có móc khóa đầy đủ. Đặc biệt nhất là dãy bồn chứa nước sáng loáng (gồm một bồn lớn 5.000 lít và 3 bồn nhỏ- mỗi bồn 1.000 lít) cùng hệ thống lọc nước hiện đại.
|
Đơn vị thi công còn cẩn thận bố trí hệ thống thu gom nước thải, đặt thùng rác và dán cả khuyến cáo người dân giữ khoảng cách, đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh Covid- 19 khi vào lấy nước.
Theo tài liệu mà tôi “xin” được, công trình có công suất 200m3/ngày, đêm, được hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 20/4, do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện. Tổng trị giá xây lắp trên 200 triệu đồng, do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vận động các nhà tài trợ và sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong Liên đoàn.
Nguồn nước được khai thác từ lỗ khoan VCKT.28, ở độ sâu 55m; trước khi đưa vào bồn chứa để sử dụng đã qua bồn lắng, qua hệ thống xử lý lọc đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng ăn uống và sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.
Một phụ nữ còn khá trẻ, dáng người thấp đậm, mặt bịt khẩu trang kín mít chạy ngược chạy xuôi nhắc nhở mọi người đứng cách xa nhau. “Đó, chỗ chị Y Thay đó, đứng giãn ra. Rồi, chỗ mấy em kia, khẩu trang đâu mà không đeo vô”. Tiếng chị lẫn trong gió. Giờ tôi mới để ý, hầu hết những người có mặt ở đây, từ người già đến trẻ em, đều đeo khẩu trang, và đứng rải rác dưới bóng cây, hiên nhà chứ không tụ tập thành nhóm như thói quen.
Đúng “chuẩn” phòng dịch rồi - tôi buột miệng khen. “Nhờ thôn trưởng Y Doak cả”. A BLê nói, chỉ về phía người phụ nữ đang nhắc mấy cô cậu thanh niên giữ khoảng cách. À, thì ra cô ấy là thôn trưởng thôn 6, gồm 2 làng Kon Klâng và Kon Long Buk.
|
Đến lượt A BLê vào lấy nước kìa! Có tiếng giục giã.
A BLê mở vòi, dòng nước trong lành, mát rượi chảy ra, thấm vào da thịt, mơn trớn, vuốt ve, làm dịu từng đường gân, từng mạch máu đang nóng ran, khô khốc. Mát quá. A BLê rùng mình, đôi tay vốc nước xoa lên mặt. Lạ thật, đôi tay này luôn vững vàng, chắc khỏe khi cầm cuốc, cầm rựa hay lái máy cày, lại run run khi đón dòng nước mát.
Nhiều năm nay, mỗi khi mùa khô đến, người dân Đăk Tờ Re nói chung, 2 làng Kon Klâng, Kon Long Buk nói riêng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt kéo dài. Từ vài tháng trước, giếng nước của gia đình A BLê đã cạn, gạn cả ngày cả đêm cũng chỉ được mấy can nhựa, để dành cho ăn uống, còn tắm giặt thì đi mấy cây số để ra sông, mà sông mùa này cũng cạn trơ đáy rồi.
Nhà Y Thay cách nhà A BLê không xa cũng có chung hoàn cảnh. Cuộc sống đảo lộn hết cả vì thiếu nước. Giếng cạn, nên dù đã tiết kiệm hết mức có thể thì vẫn thiếu nước. “Thấy khổ hơn cả thiếu ăn”- Y Thay ngậm ngùi.
Lớp người như bà Y Thay từng sống qua cái thời rừng rậm bao bọc làng xóm; sông suối cuồn cuộn chảy, nước giọt luôn tuôn trào. Dân làng không muốn dùng nước suối, nước sông thì cũng có nước giọt, dùng thoải mái. Trong suy nghĩ giản đơn của họ, “nước là của trời, nên sẽ không bao giờ hết”. Cũng chính vì vậy nên có bao giờ bà con nghĩ đến chuyện tiết kiệm nước? Càng không bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó, sông suối sẽ khô, nước giọt sẽ cạn kiệt.
Vậy mà sự thay đổi lại diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt và chóng vánh. Khi thằng con lớn của Y Thay lấy vợ, nước tự chảy kéo về tận nhà, làm heo, làm gà, chảy tràn ngày đêm, nhưng đến đứa thứ 2 lấy chồng thì nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, đến giếng đào trước vườn cũng khô cạn, phải ra tận sông để lấy. Ấy chính là những thay đổi ghê gớm nhất mà Y Thay tận mắt nhìn thấy, tự mình trải nghiệm.
|
Sau A BLê, những bàn tay chai sần, thô ráp cũng run run vặn vòi, nâng can nhựa hứng dòng nước mát. Một bà cụ nâng bầu nước cho cháu uống, đứa bé mắt lim dim, những giọt nước trong suốt tràn trên khuôn mặt đen nhẻm. Mọi người cười thông cảm, khô khát lâu rồi.
“Bây giờ thì vui rồi nhé, thỏa niềm mong ước rồi nhé. Nhưng từ nay, nước không chỉ là của trời nữa. Nước là do các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ cho bà con mình, vậy nên bà con phải có ý thức trong sử dụng”- Y Doak vỗ vỗ tay, nói một câu ngắn gọn, dễ hiểu. Tiếng vỗ tay vang lên.
“Chủ tịch Thái (anh Huỳnh Quốc Thái- Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re) dặn rồi- Y Doak nói tiếp- bây giờ có công trình cấp nước sạch, bà con không còn lo thiếu nước, không còn phải dùng nước sông, nước suối không đảm bảo an toàn, vì vậy bà con phải biết bảo vệ, không để hư hỏng hay bị phá hoại, sử dụng nước tiết kiệm. Bà con đồng ý không”. “Đồng ý”- nhiều người kêu to. Đám trẻ con gõ chai nhựa bồm bộp.
Rồi dưới sự dẫn dắt của Y Doak, dân làng bắt đầu bàn đến chuyện thành lập Tổ quản lý, bảo vệ công trình nước sạch; chuyện thu phí để đảm bảo hoạt động của Tổ cũng như bảo dưỡng công trình. Ngay cả chuyện quy định lấy nước vào thời gian nào, cấm chăn thả gia súc ra sao… đều sẽ được bàn kỹ lưỡng.
Tôi lặng lẽ trở về, trên tay là quả bầu khô chứa đầy nước trong văn vắt. Tôi áp tay lên lớp vỏ đen bóng, cảm nhận hơi mát đến kỳ lạ, làm tan biến đi sự oi bức, ngột ngạt, dù con đường nhựa vẫn nhả cái nóng hầm hập.
Bầu trời vẫn không một gợn mây, báo hiệu những ngày khô hạn còn kéo dài. Nhưng có hề gì. Ở Đăk Tờ Re, nước không chỉ là của trời nữa.
Thành Hưng