Nông thôn mới ở Đăk Pét

12/03/2017 18:07

​Từ sau ngày thành lập lại tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei) nỗ lực thật nhiều để xây dựng vùng quê giàu truyền thống cách mạng này ngày càng khởi sắc. Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, người dân nơi đây luôn ý thức chung tay cùng với Nhà nước làm đường sá, giúp nhau xây dựng nhà ở…

Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại xã Đăk Pét. Đi trên những con đường làng trải bê tông mà nghe lòng rộn rã niềm vui. Vui vì so với cách đây 5 năm về trước, Đăk Pét đã không còn nhiều con đường đất đỏ bụi mù dẫn về các thôn; nhà cửa của bà con cũng được xây dựng khang trang hơn - đúng như lời của Phó Chủ tịch xã A Tiểng khoe trước đó “toàn xã đã có trên 90% nhà xây kiên cố”.

Từ trung tâm xã, chúng tôi đi vài cây số đường nhựa rồi rẽ sang đường bê tông là đến thôn Đăk Trấp - một trong những thôn được đánh giá khởi sắc nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Đăk Pét.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Nhu – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn không giấu được niềm phấn khích: Ý thức xây dựng nông thôn mới của bà con nơi đây rất cao; không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà đã phát huy tinh thần đoàn kết, góp tiền, góp sức để xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ở… Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở khu dân cư.

Đăk Trấp có 122 hộ gia đình nhưng bây giờ chỉ còn 24 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đặc biệt, trong thôn đã thành lập được 3 đội thợ xây (mỗi đội từ 5-7 người) giúp đỡ bà con nghèo xây nhà ở. Nhờ đó, cả thôn hiện chỉ còn 3 nhà tạm (mới tách hộ lập vườn).

Dừng chân trước một ngôi nhà xây còn thơm mùi vôi mới, ông A Nhu giới thiệu đấy là căn nhà của hộ gia đình bà Y Nhắk, một trong số những hộ nghèo của thôn nhưng trong năm 2016 cũng đã xây được nhà ở.

Căn nhà của bà Y Nhắk mới được đội thợ xây trong thôn giúp đỡ xây dựng

 

Bà Y Nhắk mời khách vào nhà rồi vui mừng kể chuyện: Trước đây, gia đình bà ở trong căn nhà tạm, vách đất. Gia đình có 5 khẩu, cuộc sống trông chờ vào 2ha mì và mấy con bò mua được từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình bà chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện xóa nhà tạm. Năm 2016, đội thợ xây của thôn vận động gia đình vay mượn tiền mua cát, xi măng, gạch, sắt để họ bỏ công xây dựng cho bà căn nhà này. Bán mấy con bò, bà Y Nhắk vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để mua vật liệu. Chưa đầy tháng, gia đình bà đã có được căn nhà xây khang trang gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, gian bếp.

Anh A Thái, hàng xóm của bà Y Nhắk cho biết, năm 2013, cũng nhờ sự giúp đỡ của các tổ, nhóm thợ xây trong thôn mà gia đình anh mới mạnh dạn xây dựng được căn nhà ở.

Từ đấy, anh A Thái đã theo các thành viên trong tổ, nhóm thợ xây của thôn để học và làm nghề. Ngoài việc giúp các hộ gia đình nghèo trong thôn xây dựng nhà ở không lấy tiền công, đội thợ xây của anh còn nhận được nhiều công trình ở khắp nơi. Khi có công trình, mỗi ngày anh Thái cũng có thu nhập 250.000 đồng nên cuộc sống cũng đỡ vất vả.

Anh A Thái chia sẻ: Chung tay xây dựng nông thôn mới, tôi nghĩ, mỗi người dân cần phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt khó. Những công trình Nhà nước hỗ trợ bằng tiền rồi thì dân phải đóng góp sức xây dựng. Có như vậy, người dân mới thấy được ý nghĩa của công trình, từ đó có ý thức gìn giữ”.

Từ lâu rồi chúng tôi đã nghe câu chuyện đồng bào Jẻ ở Đăk Pét giúp nhau xây dựng nhà ở (mỗi làng có từ 3-5 tổ, nhóm thợ xây và mỗi tổ, nhóm có từ 5-10 người). Đến đây, chúng tôi thật sự khâm phục tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân tại vùng đất này.

Phó Chủ tịch xã A Tiểng “bật mí” thêm, Đăk Pét còn nổi bật với thành tích vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn.

Đến nay, Đăk Pét đã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới gồm: thủy lợi, điện, trường học, bưu điện, nhà ở, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Xã phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt thêm 2 tiêu chí (giao thông, văn hóa) và đến năm 2019 “về đích” nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch xã A Tiểng, khó nhất của địa phương hiện nay là thu nhập bình quân đầu người mới đạt 18 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,9%. Vì vậy, trong thời gian đến, địa phương sẽ tập trung nguồn lực giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác