02/03/2019 17:10
Nấn ná mãi, cuối cùng ông Hồ Văn Hoài (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cũng quyết định bán hơn 1 tấn cà phê nhân với giá 33.000 đồng/kg mà ông cố để dành đợi giá cả tăng, nhưng mặc dù đã qua vụ thu hoạch khá lâu mà giá cà phê chẳng những không nhích lên, ngược lại giá giảm sâu hơn.
Ông Hoài rầu rĩ kể: Đợt thu hoạch, người ta trả 36.000 – 37.000 đồng/kg nhân xô, thấp hơn so với các vụ trước. Tôi cứ nghĩ giá cả rồi sẽ lên nên cố trữ cà phê lại đợi giá tăng hơn, ai ngờ càng để càng giảm. Tiếc lắm, nhưng cũng đành chịu thôi, vì tôi cần tiền mua dầu bơm tưới, phân bón và trả công cho người làm nữa.
|
Xót xa vì mất bao nhiêu công bốc xếp, rồi cất giữ mấy tháng trời mà mỗi tấn cà phê nhân vẫn bị “bốc hơi” mấy triệu đồng, nhưng ông Hoài vẫn được xem là người may mắn vì cà đẹp, nhân to đều nên bán được với giá 33.000 đồng/kg, nhiều hộ cà xấu hơn chỉ bán được với giá 31.500 – 32.000 đồng/kg.
So với những thời điểm đỉnh cao, giá cà phê lên tới 43.000 – 44.000 đồng/kg, thì hiện tại, mỗi ki lô gam cà phê nhân mất khoảng 11.000 – 12.000 đồng, tương đương 11 – 12 triệu đồng/tấn.
Giá thấp gần ngang bằng với giá thành sản xuất; trong khi đó, do áp lực về vốn đầu tư cho vụ cà phê mới là rất lớn, buộc nhiều người đành ngậm ngùi bán ra. Có lẽ đây chính là “niên vụ cà phê đắng chát” nhất với người trồng cà phê trong vòng mấy năm qua, khi vừa mất mùa, vừa mất giá.
Cũng như giá cả cà phê trong thời gian qua, từ đầu năm đến nay, giá hồ tiêu không những chưa có dấu hiệu phục hồi mà còn tiếp tục giảm mạnh khiến nông dân lỗ nặng.
Hiện giá tiêu sọ được thương lái thu mua khoảng 42.000 – 43.000 đồng/kg, thấp hơn cả mức đầu tư sản xuất. Hơn thế nữa, thời gian qua, tình trạng cây tiêu bị bệnh và chết nhanh diễn ra ở nhiều nơi khiến cho người nông dân lao đao.
Chị Nguyễn Thị Hậu (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) kể: Cà phê rẻ, tôi tưởng trông được vào mấy trăm trụ tiêu để có thêm chút thu nhập, ai ngờ cây tiêu mắc bệnh chết cả loạt thành ra mất cả vốn lẫn lời. Đầu năm 2016, giá tiêu lên tới 155.000 – 160.000 đồng/kg, thấy nhiều người đổ xô trồng, nhà tôi cũng làm theo mọi người, nhưng từ lúc được thu đến giờ thì giá cả cứ quay đầu đi xuống, vốn liếng bỏ ra cả trăm triệu đồng chưa thu được bao nhiêu, giờ thì mất trắng.
Đăk Hà là nơi trồng tiêu lớn nhất tỉnh ta, với tổng diện tích trên 100ha. Hồ tiêu rớt giá, nhiều gia đình cũng rơi vào tình cảnh tương tự như nhà chị Hậu, vay mượn để đầu tư trồng loại cây này lúc giá cao, đến khi thu hoạch thì giá thấp, kèm theo những rủi ro do thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng… đã đẩy họ vào tình cảnh khó khăn.
|
Điều đáng nói, tiêu là loại cây trồng mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên phát triển ồ ạt, nhưng do thời gian trước, giá hạt tiêu trên thị trường tăng cao nên nhiều nơi, người dân đua nhau mở rộng diện tích.
Lúa gạo tuy không phải là mặt hàng chủ lực của tỉnh ta, diện tích canh tác lúa không nhiều, nhưng trước việc giá lúa gạo xuống thấp cũng làm cho nhiều nông dân rầu rĩ. Hiện giá lúa người dân bán cho thương lái chỉ vào khoảng 5.500 – 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2019. Nguyên nhân giá lúa gạo trên thị trường tỉnh ta sụt giảm là do chịu tác động từ thị trường lúa gạo miền Nam đang xuống thấp.
Khó khăn vì nông sản rớt giá với người trồng rau cũng không ngoại lệ. Trước Tết, giá rau đã ở mức rất thấp; ra Tết, rau lại càng rẻ hơn. Thời tiết nắng ấm, thuận lợi tạo điều kiện cho các loại rau phát triển nhanh nên nguồn cung rau tại các địa phương trong tỉnh đều dồi dào. Chưa kể, các tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng vốn là những thị trường tiêu thụ rau của tỉnh ta hiện cũng không có nhiều nhu cầu nên dù giá rau xuống rất thấp mà nông dân vẫn bán không nổi.
Hiện giá một số loại rau thông dụng được nông dân bán ra tại ruộng như cải cúc chỉ 1.500 đồng/bó, xà lách 4.000 đồng/kg, cải xanh, cải ngọt cũng chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, cà chua khoảng 5.000 đồng/kg...
Theo các hộ trồng rau ở tổ 4, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) thường thì năm nào sau Tết, giá rau cũng xuống thấp, nhưng có lẽ chưa năm nào giá rẻ và kéo dài như năm nay.
Người nông dân vất vả “một nắng hai sương” để làm ra nông sản, song họ lại không quyết định được giá cả hàng hoá mà mình sản xuất ra. Giá cả lên, chưa chắc họ đã được hưởng lợi nhiều vì còn quá nhiều khâu trung gian, nhưng mỗi khi giá xuống thì họ lại luôn bị tác động rất nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bài và ảnh: Thiên Hương