17/07/2017 08:08
Tổn thất nặng nề và kéo dài đến thời điểm này là những người nuôi heo. Giá heo liên tục rớt thảm hại, tại thị trường Kon Tum, hiện giá heo hơi xuất chuồng vẫn chỉ khoảng 25.000-28.000 đồng/kg. Giá rẻ, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khiến người nuôi heo lâm vào tình cảnh khó khăn vì bán thì không được mà để nuôi thì lỗ. Một số người đã phải chọn giải pháp tự mổ heo bán thịt để cứu vãn tình thế, gỡ gạc lại vốn liếng đầu tư.
Chưa hết lao đao vì giá heo giảm sâu, trong vòng vài tháng trở lại đây, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục đối mặt với tình trạng thịt gia cầm và trứng gia cầm rớt giá.
|
Giá các loại thịt gia cầm trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Giá vịt nông dân bán ra tại chuồng hiện chỉ còn khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg, giá gà tam hoàng 25.000- 28.000 đồng/kg, gà lai 40.000-42.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Như vậy, bình quân mỗi ký gà, vịt người nuôi lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg...
Không chỉ có giá gà, vịt thịt giảm mạnh mà các loại trứng gia cầm tại các trang trại, hộ chăn nuôi cũng đang giảm sâu. Hiện nay, giá trứng xuất bán tại trang trại chỉ còn 900 - 1.300 đồng/quả (tùy loại), giá trứng vịt xuất chuồng chỉ còn từ 1.700 - 2.000 đồng/quả, giảm 300-500 đồng/quả so với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng trước.
Theo những hộ chăn nuôi, thời gian qua, do giá thịt heo giảm mạnh đã đẩy giá nhiều loại thực phẩm giảm sâu bởi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng loại thực phẩm này nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thịt gà, vịt và trứng gia cầm giảm. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi giá heo, gà, vịt giảm sâu, đầu ra khó khăn, thì giá nhiều sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi như thức ăn, thuốc thú y... vẫn ở mức cao.
Không chỉ có các loại nông sản thuộc ngành chăn nuôi mà nhiều loại nông sản thuộc lĩnh vực cây trồng cũng thi nhau “tuột dốc”. Đáng chú ý nhất là giá hồ tiêu, hiện hồ tiêu đen chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm và chưa bằng một nửa giá so với cùng kỳ năm 2016. Nếu so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm năm 2015 thì giá bán hiện tại chỉ còn bằng 1/3.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá chanh dây trên thị trường cũng liên tục giảm mạnh. Sau một thời gian tăng giá liên tục, tới mức 35.000- 40.000đồng/kg, hiện tại chanh dây bán lẻ chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng/kg. Thương lái ngừng thu mua, trong khi lượng chanh dây do nông dân làm ra dồi dào là nguyên nhân khiến giá chanh dây lao dốc không phanh.
Trước đó, giá chuối, dưa hấu, hành tím, ớt cũng trong tình cảnh tương tự, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất.
Nhìn lại thị trường nông sản những tháng đầu năm, nhiều người không khỏi xót xa khi thấy các mặt hàng nông sản liên tiếp rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến người nông dân lao đao. Những chiến dịch giải cứu nông sản liên tục được phát động nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với nông dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong chốc lát để giúp nông dân có thể tiêu thụ được nông sản bù lại phần nào thiệt hại.
Nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra nào là do người nông dân chạy theo phong trào, cứ thấy mặt hàng nào được giá là ào ào mở rộng quy mô, diện tích phá vỡ quy hoạch, nguồn cung dư thừa; nào là việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn thiếu; nào là chất lượng nông sản thấp; rồi lại phải phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc... Nhưng suy cho cùng thì nông dân vẫn là người chịu khổ, chịu thiệt.
Có thể thấy, trong những tháng đầu năm, hàng hóa nông sản làm ra tương đối thuận lợi, dồi dào, nhưng cái khó lớn nhất chính là thị trường tiêu thụ. Làm thế nào để ổn định được đầu ra cho sản phẩm là điều mà hầu hết nông dân quan tâm nhất lúc này để họ có thể yên tâm sản xuất.
Ngọc Thắng