19/10/2023 06:02
Theo Sở NN&PTNT, từ khi thành lập lại tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa cho nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là ngay năm 1991, tỉnh đã triển khai Chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Theo đánh giá, Chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn (1991-2010) đã từng bước đi vào cuộc sống, có tính thiết thực cao, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế nông thôn của tỉnh.
|
Đến năm 2010, diện tích chuyên canh và tập trung đã được cơ giới hóa 100% trong tưới tiêu. Đã trang bị 100% các máy đập lúa di động phục vụ khâu thu hoạch, sử dụng các máy sạ lúa rải hàng tập trung tại các địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn. Khâu chế biến nông sản, vận chuyển nông thôn đã từng bước được cơ giới hóa.
Từ năm 2010 đến nay, cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Các loại máy móc phục vụ sản xuất, như máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa, được nông dân đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng qua khảo sát ở một số “vựa lúa”, như Đoàn Kết, Đăk Blà (thành phố Kon Tum), Đăk La (huyện Đăk Hà), Diên Bình (huyện Đăk Tô) cho thấy, cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt trên 90%; khâu thu hoạch lúa đạt gần 100%.
Ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, tỷ lệ sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên cùng sự thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Hình ảnh máy cày làm đất, xe công nông trong vận chuyển nông sản hay phân bón, thậm chí là máy gặt đập liên hoàn ở những thửa ruộng bậc thang vùng Măng Bút, Măng Cành (Kon Plông), Mường Hoong, Ngọc Linh (Đăk Glei) hay Mô Rai (Sa Thầy), Măng Ri, Tê Xăng (Tu Mơ Rông) đã không còn là chuyện hiếm.
Theo tính toán của bà con và cán bộ chuyên môn, cơ giới hóa trong sản xuất lúa không chỉ tăng năng suất từ 20 – 30% trên diện tích canh tác mà còn giảm chi phí đầu vào từ 3- 4 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công truyền thống từ 5 -6 triệu đồng/ha/vụ.
|
Thực tế trên cho thấy, cơ giới hóa là “chìa khóa” để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và chi phí đầu tư; giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.
Đây cũng là một nội dung quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp đi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển.
Tuy nhiên, cũng từ thực tế cho thấy, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung đối với sản xuất lúa với các khâu chủ yếu như làm đất, thu hoạch và vận chuyển.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức chăn nuôi thủ công; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong chăn nuôi còn rất thấp (khâu thu hoạch khoảng 5%, khâu chuồng trại 30%).
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay có đến 70% khối lượng công việc vẫn được làm thủ công; áp dụng cơ giới hóa mới chỉ thực hiện được trên hai khâu là chặt hạ và vận chuyển. Nhiều khâu sản xuất quan trọng, chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 5 - 10%.
Một trong những nguyên nhân là do thực trạng ruộng đất còn manh mún, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, như giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán, hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ.
Ngày 12/10, UBND tỉnh Kế hoạch số 3481/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, cơ giới hóa từng khâu trong sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 70%; đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 40%.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, cơ giới hóa từng khâu đạt trên 50% vào năm 2025; cơ giới hóa đồng bộ phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 60%. Trong lĩnh vực thủy sản, cơ giới hóa đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, đến năm 2025 cơ giới hóa các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, đạt trên 30%, năm 2030 đạt trên 50%.
Để hoàn thành các mục tiêu tiêu cơ bản trên, theo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.
Tích cực định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện cơ giới hóa; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tư nhân đầu tư mua máy móc giá trị lớn mà nông dân không thể tự mua được để cho thuê.
Khơi thông nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, lấy đó làm nền tảng để thúc đẩy công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.
Hồng Lam