Nông nghiệp “lên đời” cùng nông thôn mới

20/12/2023 13:13

Những năm qua, việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên toàn tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 32 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó, có 7 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi thay tiến bộ. Trong đó, kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.

Người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa các loại giống cây giá trị cao vào canh tác. Ảnh: TH

 

Thông qua các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và các phong trào thi đua như “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân về xây dựng nông thôn mới nói chung và tư duy sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Theo đó, ở nhiều nơi, người dân đã chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp theo hướng xây dựng mô hình nhà sạch- vườn đẹp, đưa cây rau màu, cây ăn quả, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Như tại xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), trong hành trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, chính quyền địa phương này đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tuyên truyền vận động đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua phát triển sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây có giá trị cao như cây ăn trái, mắc ca, lúa chất lượng cao (ST24,ST25) vào trồng thay thế những loại cây trồng kém kiệu quả. Đến nay, xã Tân Lập phát triển được 43ha mắc ca, gần 100ha cây ăn quả và 97ha lúa ST24 được sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng (năm 2023).

Hay như ở xã Ngọc Wang, từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, sản xuất nông nghiệp đã dần chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh việc trồng cây cà phê, cây cao su, địa phương đã chọn lọc và xác định cây ăn quả là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Đến nay, toàn xã Ngọc Wang có 200ha cây ăn quả, hình thành 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 hội quán “Trồng cây ăn quả”.

Triển khai xây dựng NTM, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động, phát huy nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.

Việc xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TH

 

Đến nay, toàn tỉnh có 72/85 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông, 100% số xã đạt chuẩn về tiêu chí thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí về điện góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, thông qua các nguồn hỗ trợ của chương trình xây dựng NTM, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã có điều kiện tiếp cận với các vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên từng đơn vị diện tích đất canh tác.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 16.878ha cây trồng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; trong đó, có khoảng 14.500ha cà phê, 1.400ha cây ăn quả các loại; 900ha rau, củ, quả, hoa; 800ha cây trồng sản xuất theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà với diện tích sản xuất gần 3.000ha; có 111 trang trại áp dụng phương pháp nuôi hiện đại - chuồng kín có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến.

Có thể nói, chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo chuyển biến toàn diện về kinh tế- xã hội, đặc biệt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thiên Hương

Chuyên mục khác