19/04/2024 13:23
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 550ha, nhưng chỉ có 30,70ha đạt đúng và đủ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Organic được các tổ chức chứng nhận hữu cơ công nhận và cấp giấy chứng nhận.
Dù số lượng và diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ còn ít, tuy nhiên giá trị mang lại của các mô hình khá cao. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp sản xuất rau củ quả lớn trên địa bàn huyện Kon Plông, lợi nhuận thu được trong việc sản xuất củ quả công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ Organic chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Đối với rau củ quả, thông thường 1 năm sản xuất 3 vụ, lợi nhuận thu được trong 1 ha đất sản xuất bình quân khoảng 1 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai.
|
Hợp tác xã Rau, hoa và du lịch Thanh niên Măng Đen có quy mô sản xuất rau, củ, quả xứ lạnh hữu cơ 1,8ha, sản lượng bình quân 6 tấn rau/tháng, doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Theo bà Trần Ngọc Diệp - Giám đốc Hợp tác xã, nhờ phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, Hợp tác xã đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 20% so với các sản phẩm khác. Bởi vì, các sản phẩm của Hợp tác xã luôn có đầy đủ, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, quá trình chăm sóc, thu hái đảm bảo, sử dụng các chế phẩm sinh học, sản phẩm hoàn toàn tốt cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường nên tạo sự an tâm cho người dùng và được các hệ thống siêu thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua. Nhờ vậy, sản lượng của Hợp tác xã đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với trước.
Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Nguồn ngân sách còn hạn chế, chưa bố trí được nhiều kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung về nông nghiệp hữu cơ. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì các tiêu chí đạt chứng nhận hữu cơ đòi hỏi rất cao. Chưa hình thành được mô hình sản xuất mới và xây dựng chuỗi liên kết tương ứng. Việc xây dựng các chuỗi liên kết ứng với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa đạt theo yêu cầu.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện chưa có đánh giá chính xác đối với từng khu vực, từng địa phương về sự phù hợp của các yếu tố đất trong sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, mà chủ yếu lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
|
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức chứng nhận nào đang hoạt động và đang làm thủ tục để được hoạt động trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và tiêu chuẩn nước ngoài. Chỉ có Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đang triển khai các giải pháp nâng cao năng lực để đáp ứng đủ tiêu chuẩn là đơn vị cấp chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến; chưa xây dựng các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp hữu cơ.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 và Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-UBND, ngày 29/12/2020. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình từng năm để đạt và vượt các mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến nông và vốn huy động khác để xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Phúc Nguyên