06/01/2020 06:16
Thanh long Sang
Đã nhiều lần tôi vào thăm nhưng không may mắn gặp chủ nhân khu vườn thanh long đẹp nổi tiếng ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum).
Không chịu bỏ cuộc, lần này, nhờ cán bộ Văn phòng UBND phường Trường Chinh liên hệ trước, tôi đã có cuộc gặp thú vị với ông Nguyễn Sang - chủ nhân mảnh vườn trên.
Không màu mè, Nguyễn Sang chân thật nói: Vốn là “dân phố”, nhưng lâu nay gia đình tôi mưu sinh bằng nghề trồng rau, đậu các loại. Tuy nhiên, các cây trồng truyền thống trên, nhà vườn nào ở thành phố Kon Tum cũng trồng được nên có nhiều thời điểm ế thừa, khó xây dựng thương hiệu. Qua xem ti vi, thấy nông dân tỉnh Bình Thuận, Long An... trồng thanh long cho thu nhập cao hơn các loại cây lâu nay gia đình vẫn trồng, hơn nữa, cây thanh long trồng ở tỉnh Kon Tum không nhiều, đất đai của gia đình pha cát, màu xám bạc lại phù hợp với loại cây này nên gia đình chuyển sang trồng thanh long.
“Nghĩ là làm! Để có thể trồng thanh long thành công, gia đình lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và vào tận tỉnh Long An học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ để về áp dụng trên vườn nhà. Sau khi học hỏi kỹ thuật, gia đình mua cây giống, dựng trụ, đầu tư hệ thống tưới bằng đường ống nhựa và béc phun sương; bón cho thanh long bằng phân chuồng hoai mục và phân tổng hợp NPK để cây đủ vi chất. Cây thanh long được đầu tư trồng theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên phát triển nhanh, sớm ra hoa, cho quả” - ông Sang bộc bạch.
Trên mảnh vườn của mình, ông trồng cả hai loại thanh long: ruột đỏ và ruột trắng. Cả hai loại cây thanh long đều xanh tốt, không cây nào thua cây nào và rất khó phân biệt, trừ khi cây có quả chín.
|
So với các loại cây trồng khác, gia đình thấy thanh long ít bị dịch bệnh gây hại, nếu có thì chủ yếu là rầy. Mỗi năm gia đình chỉ phun thuốc 1-2 lần diệt rầy là có thể bảo đảm cho vườn thanh long an toàn. “Tuy nhiên, khi cần phải phun thuốc, tôi cũng tính toán phù hợp và bảo đảm đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch quả để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - Nguyễn Sang chia sẻ.
Đưa tay nâng quả thanh long trên cây, ông Sang cho biết trong quá trình sản xuất, gia đình ông luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất thanh long an toàn, tính toán thời điểm bón phân, bật đèn chiếu sáng vào ban đêm cho phù hợp để kích thích thanh long đồng loạt ra hoa và ra nhiều hoa.
Nhờ nắm chắc quy trình sản xuất, cây thanh long của gia đình ông cho nhiều quả; quả to và đều, bình quân mỗi cây cho 35kg quả/năm. Với giá bán dao động từ 15-30 nghìn đồng/kg quả (tùy theo từng thời điểm) và sản lượng quả thu được, tính ra, 1.500 cây thanh long trong vườn nhà, ông Sang thu từ 780 triệu đến 1,5 tỷ/năm.
Quả thanh long của gia đình ông Sang da đỏ tươi, to đều, đẹp nên được các khách hàng ưa chuộng mua về dâng cúng trong trong dịp rằm, mồng một, lễ, Tết.
Từ kinh nghiệm sau nhiều năm bán quả thanh long cho khách hàng tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau, ông Sang cho hay: Mặc dù giá thanh long ruột đỏ hay ruột trắng được bán với giá như nhau, nhưng người dân ở tỉnh ta có kinh nghiệm thường chọn thanh long ruột trắng mua về dâng cúng, vì quả thanh long trắng để được lâu hơn, ít bị nhũn vỏ; còn người dân ở các tỉnh bạn như Gia Lai, Đà Nẵng và ra một số tỉnh miền Bắc thường chọn thanh long ruột đỏ vì ăn ngọt hơn.
“Quả thanh long của gia đình được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, vì vậy, thu hoạch quả đến đâu, khách hàng mua đến đó, chưa bao giờ bị ế!”- ông Sang khẳng định.
Phôi nấm “Thảo nấm”
Là người ham học hỏi và đeo đuổi nghề làm nấm, Nguyễn Thị Thảo - còn gọi “Thảo nấm” (phường Trường Chinh) cùng chồng làm chủ việc sản xuất phôi nấm và các loại nấm như linh chi, bào ngư, sò.
Cơ sở sản xuất “Thảo nấm” chỉ là một khu đất vườn rộng 0,4 ha, nhưng xe ô tô vào ra chở phôi nấm tấp nập. Bận nhiều việc, không có thời gian trao đổi tại phòng làm việc, Thảo tiếp tôi ngay tại nhà xưởng.
Thảo kể: Ngày đầu lập nghiệp, vốn liếng không nhiều, em cùng chồng vay mượn tiền của bố mẹ đầu tư sản xuất và lập dự án phát triển để tranh thủ sự hỗ trợ từ Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
“Không làm thất vọng Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, cơ sở sản xuất của em ra mắt nhiều sản phẩm và ngày càng mở rộng việc cung ứng nhiều loại phôi nấm cho thị trường theo đơn đặt hàng”- Thảo vừa nói, vừa dẫn tôi thăm nhiều lớp phôi nấm các loại.
Bắt chuyện một khách hàng từ huyện Sa Thầy đến mua phôi nấm về sản xuất nấm, anh ta khen phôi nấm của “Thảo nấm” sản xuất hiệu quả.
|
Không giấu, “Thảo nấm” bảo sản phẩm phôi nấm của cơ sở sản xuất ra luôn đảm bảo chất lượng, tạo được uy tín với khách hàng. Giá phôi nấm, giá nấm tại cơ sở sản xuất ra lại phù hợp với thị trường, vì vậy, sản phẩm làm ra không bao giờ bị tồn kho. Và để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cơ sở của Thảo hằng ngày luôn có từ 5-7 lao động làm việc để sản xuất phôi nấm và hái nấm.
“Tiếng lành đồn xa”, bạn hàng mua phôi nấm của “Thảo nấm” không chỉ có các cơ sở sản xuất nấm ở các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn có khách hàng từ Gia Lai, Phú Yên.
“Mỗi tháng, em bán khoảng trên 40 nghìn bịch phôi nấm. Đồng thời với việc sản xuất phôi nấm, việc sản xuất nấm tiếp tục duy trì. Bình quân mỗi vụ, gia đình thu 4 tạ nấm linh chi; mỗi ngày, em thu và bán khoảng 1 tạ nấm sò, bào ngư”-Thảo chia sẻ.
Trước yêu cầu đặt ra trong sản xuất, “Thảo nấm” cùng chồng đang đặt mục tiêu xây dựng một khu phức hợp chế biến các loại nấm khô, cà phê hòa tan nấm linh chi; khô bò, chà bông từ nấm đông cô; nước mắm chay từ nấm sò trắng; cháo nấm ăn liền từ nấm dinh dưỡng; mì nấm… Nếu hiện thực hóa mục tiêu này, thương hiệu “Thảo nấm” sẽ còn vươn xa hơn nữa.
Chợt nghĩ, việc hiện thực hóa “Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ sớm đi vào thực tế nếu chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt, đồng hành với các hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm ở địa phương.
Văn Nhiên