07/08/2017 13:55
Cây khoai lang Nhật Bản bắt đầu bén rễ ở Đăk Trăm từ đầu năm 2016 với việc anh chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Tâm - A Hạnh (làng Tê Pên) mạnh dạn bỏ ra gần 10 triệu đồng mua dây khoai tận tỉnh Đăk Nông mang về rồi thuê người cày đám ruộng ven suối bị bỏ hoang lâu nay để trồng thử. Sau vụ đầu thành công, anh đã vận động các hội viên trong Hợp tác xã trồng và đến nay toàn xã đã có 9 hộ trồng khoai lang Nhật Bản với diện tích 4,58ha.
A Hạnh kể: Năm 2015, mình có việc đi Đăk Nông và được tham quan mô hình trồng khoai lang Nhật Bản cho hiệu quả kinh tế cao. Mình nghĩ, ở làng mình, xã mình có nhiều chân đất phù hợp trồng khoai lang như những thửa ruộng ven suối, chân ruộng bị bão số 9 năm 2009 bồi lấp không thể cấy lúa đang bỏ hoang rất lãng phí; vậy là mình đã quyết định mua thử ít dây mang về trồng.
|
“Mình bỏ ra hơn 10 triệu đồng nữa thuê người ta cày hơn 6 sào đất, làm luống để trồng khoai, không ngờ cây khoai phát triển rất tốt. Khi gần thu hoạch, mình cũng lo về đầu ra, thế là mình lên mạng tìm hiểu và đọc được thông tin về Công ty TNHH Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp xanh ở thành phố Kon Tum có thu mua sản phẩm này, mình xuống đặt vấn đề và đã được công ty đồng ý ngay. Sau 4 tháng trồng, mình đã thu hái thành quả, vụ đầu mình thắng lớn, với sản lượng thu được hơn 10 tấn, giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, dầu tưới, thuê nhân công... mình vẫn còn lời hơn 60 triệu đồng” - A Hạnh chia sẻ.
Thấy hiệu quả kinh tế mà cây khoai lang mang lại cao, A Hạnh đã vận động thêm 7 hộ gia đình trong Hợp tác xã trồng theo. Lúc đầu mọi người cũng còn e dè bởi dù khoai lang là loại cây trồng quen thuộc, nhưng trồng khoai lang làm hàng hoá thì còn khá xa lạ với người dân địa phương nên mỗi hộ chỉ trồng 1 – 2 sào, cả hợp tác xã chỉ trồng chưa đầy 2ha.
Cuối năm 2016, các gia đình đã thu lứa khoai đầu tiên với năng suất bình quân đạt từ 15-16 tấn/ha, thu hoạch đến đâu công ty TNHH Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp xanh thu mua hết đến đó. Theo tính toán của người dân, mỗi héc ta khoai lang Nhật Bản đầu tư khoảng 40 - 45 triệu đồng, với giá bán 7.000 đồng/kg nông dân vẫn còn thu lời từ 60– 70 triệu đồng/ha.
Trồng khoai lang khá dễ mà lại cho lợi nhuận cao, đặc biệt là nông dân đã tận dụng được những diện tích đất không thể trồng cấy được nên không làm ảnh hưởng tới diện tích trồng các loại cây khác. Với hiệu quả kinh tế bước đầu mà cây khoai lang Nhật Bản mang lại đã giúp các hộ dân trong Hợp tác xã Quyết Tâm mạnh dạn mở rộng thêm diện tích, mỗi nhà 3 - 4 sào, riêng A Hạnh có tới 1,2ha.
Sau A Hạnh, A Don (làng Đăk Rô Gia) là người có diện tích trồng khoai lang lớn, với gần 1ha. Thấy những hộ dân trong Hợp tác xã Quyết Tâm trồng khoai lang Nhật Bản thu lợi nhuận cao, đầu năm 2016, A Don mạnh dạn đầu tư 40 triệu mua dây giống, phân, thuê người cày đám ruộng ven suối bị bồi lấp do bão số 9 năm 2009 lâu nay thỉnh thoảng trồng 1 vụ bắp, để trồng khoai.
Cây khoai lang khá dễ tính, ban đầu khi mới trồng, A Don chịu khó tưới nước từ 2 – 3 lần/tuần, sau đó thỉnh thoảng tưới bổ sung thêm, nhờ hợp đất nên ruộng khoai lang phát triển rất tốt và chuẩn bị cho thu hái thành quả.
A Don dẫn chúng tôi đi thăm ruộng khoai lang của gia đình. Thật ngạc nhiên, giữa bãi đất hoang là ruộng khoai tốt, vén dây lên, A Don bới thử một đoạn luống lộ ra những củ khoai như cổ tay xếp thành hàng dưới lớp đất cát.
“Với lượng củ nhiều thế này mình cầm chắc đạt từ 13 – 15 tấn khoai, với giá bán 7.000 đồng/kg, đợt này mình sẽ có được món tiền kha khá. Đây đúng là loại khoai ruột vàng có thể cho vàng” - A Don cười khấn phởi.
Bước đầu, cây khoai lang Nhật Bản cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao mà nó mang lại, tuy nhiên nông dân xã Đăk Trăm vẫn tỏ ra rất thận trọng với loại cây trồng này.
Chủ nhiệm Hợp tác xã - A Hạnh cho biết: Trồng khoai lang không khó, điều quan trọng nhất chính là đầu ra cho sản phẩm, nếu có các đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm thì việc nhân rộng mô hình này sẽ không khó. Hiện nay, diện tích khoai lang đang trồng, chúng tôi đã ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Dịch vụ - kỹ thuật Nông nghiệp xanh với giá bán thấp nhất là 7.000 đồng/kg, còn khi trên thị trường lên thì đơn vị sẽ mua lên. Toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch đến đâu sẽ được công ty thu mua đến đó. Chúng tôi chỉ dám mở rộng quy mô khi đơn vị thu mua đặt hàng hoặc cam kết đảm bảo đầu ra, chỉ cái gì chắc chắn mới làm chứ không liều lĩnh.
Chính quyền xã Đăk Trăm cũng đã khuyến cáo người dân thận trọng khi mở rộng diện tích, nhất là không ồ ạt trồng theo phong trào nhằm tránh rủi ro.
Mô hình trồng khoai lang Nhật Bản trên chân đất thiếu nước ở Đăk Trăm là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm đa dạng hoá cây trồng giúp mang lại thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để nhân rộng được mô hình này, rất cần sự chung tay liên kết thu mua của các doanh nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất.
Hương Nga