Nông dân trẻ làm kinh tế giỏi

26/11/2022 13:05

Đến thôn 1, xã Ia Dom ( huyện Ia H’Drai), chúng tôi được giới thiệu về anh Lương Văn Thắng- một nông dân trẻ (sinh năm 1989) người dân tộc Mường năng động, sáng tạo, cần cù lao động, làm kinh tế giỏi. Nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống gia đình anh Thắng ngày càng ổn định.

Khi chúng tôi đến thăm, anh Thắng đang hái cà phê trên rẫy. Ngồi chờ một lát sau, anh Thắng trở về, trán đẫm mồ hôi, trên tay còn mang tấm bạt. Anh Thắng cởi mở nói: Cà phê trong rẫy chín cả rồi, lại bận công việc cạo cao su nên tôi phải tranh thủ lên hái cho kịp, không thì chín rụng hết.

Thả tấm bạt xuống đất, nhanh tay mở khoá cửa, anh Thắng mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà gỗ có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt hiện đại, từ tivi màn hình mỏng, tủ lạnh, đến bàn ghế tiếp khách.

Anh Thắng chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Bố tôi là một cựu chiến binh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên tôi cùng với các anh chị em theo bố vào Đăk Nông sinh sống từ năm 2002. Đến năm 2008, tôi kết hôn và do thiếu đất trồng trọt nên sau đó 2 năm, tôi cùng vợ đã quyết định đến Kon Tum lập nghiệp.

Anh Thắng trồng thử nghiệm sầu riêng xen cà phê. Ảnh: Y.Đ

 

Tại đây, anh Thắng theo học lớp hướng dẫn cạo mủ cao su và được nhận làm công nhân của Công ty Cao su Sa Thầy. Sau đó, anh được Công ty hỗ trợ đất ở và đất sản xuất với tổng diện tích hơn 3ha.

Anh Thắng cho biết: Ban đầu, tôi tận dụng 3ha đất chủ yếu trồng mì để có thu nhập. Nhưng rồi thấy việc trồng mì chỉ đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình, không thể làm giàu nên tôi quyết định tham gia các lớp tập huấn trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã mang về trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây như hồ tiêu, mắc ca nhưng không mấy hiệu quả, do không phù hợp với thổ nhưỡng tại đây. Tiếp tục tìm tòi, học hỏi bà con xung quanh, nghiên cứu trên sách báo thì biết được loại cây cà phê xanh lùn và cây điều khá phù hợp, năng suất cao, tôi liền tìm mua giống mang về trồng.

Nhờ các kiến thức trồng trọt học hỏi được từ bà con xung quanh cũng như từ các lớp tập huấn, anh Thắng đã phát triển được 3 sào cà phê, 3ha điều, mỗi năm trừ đi mọi chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ dừng ở việc trồng trọt, anh Thắng còn hướng đến phát triển chăn nuôi. Hiện tại, anh đã có đàn bò 6con, heo sọc dưa 14 con và 6 cặp nhím sinh đẻ.

Anh Thắng tận dụng rau quả trong vườn cho nhím ăn. Ảnh: YĐ

 

Nói về việc nuôi nhím, anh Thắng cho biết: Tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi nhím tại thị trấn Plei Kần (Ngọc Hồi), thấy con nhím là loài gặm nhấm, cái gì cũng ăn và ít khi bị bệnh. Nuôi nhím dễ, nhàn, không gây ảnh hưởng tới công việc cạo cao su vì có thể tận dụng rau, củ, quả... trong vườn để làm thức ăn, nên tôi quyết định đem về nuôi.

Hiện, đàn nhím của anh Thắng đang chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên. Theo anh Thắng, nhím thương phẩm có giá là từ 300.000-400.000 đồng/kg, nhím giống sinh đẻ có giá là 6 triệu đồng/cặp. "Hiện tại, việc chăn nuôi của tôi chưa đem lại thu nhập, nhưng thời gian tới chắc chắn tôi sẽ có thu nhập từ việc bán nhím, heo và cả đàn bò nữa" anh Thắng vui vẻ nói.

Nói về anh Thắng, ông Lương Văn Thuyên - Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn 1, xã Ia Dom (Ia H'Drai) cho biết: Anh Lương Văn Thắng là một trong những hội viên nông dân trẻ "dám nghĩ dám làm", gương mẫu của thôn. Không chỉ chịu khó làm ăn, biết tích góp, phát triển kinh tế, anh còn tích cực hướng dẫn, truyền đạt lại cho nhiều người trong thôn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đây là một tấm gương cho nhiều người trên địa bàn học tập, noi theo.        

Y Đô

Chuyên mục khác