28/03/2019 13:03
Nhiều năm qua, hội viên, nông dân ở Ia Chim đã áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động trong việc trồng cà phê cùng các cây ăn trái khác. Tuy nhiên, qua nhiều năm áp dụng, công nghệ này không còn mới và có những bất cập. Để đáp ứng nhu cầu trồng trọt và tăng năng suất cây trồng trong thời kỳ mới, nhiều nông dân ở Ia Chim đã tự tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến lại hệ thống tưới phun mưa tự động nhằm tiết kiệm chi phí, lắp đặt hệ thống dẫn nước một cách khoa học và tăng tuổi đời của công nghệ này.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê 5 tháng tuổi trên diện tích 1,4ha của mình, ông Lê Thế Trình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim, cũng là một nông dân sản xuất giỏi chia sẻ, vườn cà phê giống lai đa dòng (giống cà phê của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) của ông đang phát triển rất tốt, vì nhờ cải tiến công nghệ tưới phun mưa tự động và áp dụng công nghệ bón phân tự động Venturi. Việc trồng và chăm sóc cà phê của ông bây giờ trở nên “nhàn” hơn rất nhiều so với cách trồng cà phê chỉ áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cũ.
|
Công nghệ tưới phun mưa tự động không còn mới, công nghệ này được nhiều hội viên, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương trong tỉnh như: Đăk Hà, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, do hệ thống ống dẫn nước của công nghệ này đặt trên mặt đất, qua thời gian sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khiến tuổi đời trung bình chỉ được 5 năm, hệ thống dẫn nước lại phức tạp.
“Tôi đã chủ động nghiên cứu và lắp đặt các hệ thống ống dẫn nước lại cho hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả không thay đổi, đồng thời, chôn các hệ thống ống dẫn nước này dưới lòng đất, như vậy tuổi đời của hệ thống này sẽ tăng lên, việc làm cỏ cũng thuận lợi hơn” - ông Trình nói về việc lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động đã cải tiến.
Ông Trình chia sẻ, với diện tích 1,4ha, chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động đã cải tiến hết khoảng 40 triệu đồng, mỗi lần tưới chỉ mất 4 tiếng đồng hồ, bình quân một tháng ông chỉ tốn 170.000 đồng tiền điện. Còn với công nghệ cũ lúc chưa cải tiến, bình quân mỗi tháng sẽ tốn 180.000 đồng tiền điện trên 1ha mỗi lần tưới phải mất 2 ngày.
Với bộ châm phân bón tự động Venturi, ông Trình cũng không còn phải vất vả đi bón phân cho từng gốc cây như trước kia. Chi phí lắp đặt hệ thống này chỉ khoảng 2 triệu đồng. Venturi hoạt động theo cơ chế hút chân không do sự chênh lệch áp suất trong hệ thống tưới, được lắp đặt trong hệ thống phun mưa tự động. Khi hệ thống phun mưa tự động hoạt động sẽ hút nước phân bón từ bộ phận Venturi rồi bơm qua các hệ thống ống nước để đến từng gốc cây, khiến việc bón phân cho cây trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước kia.
Việc cải tiến và lắp đặt 2 công nghệ này, ngoài giảm sức lao động rõ rệt, còn tạo năng suất rất cao, ít mọc cỏ, cây sinh trưởng nhanh không chỉ đối với cà phê mà còn đối với nhiều loại cây ăn trái. Thực tế cho thấy, nhiều cây như: mít, chuối, sầu riêng hay các cây như: bí, mướp… được ông Trình trồng xen canh trên diện tích 1,4ha cà phê ngoài việc phát triển nhanh, còn cho thu hoạch, chất lượng nông sản rất cao. Cụ thể, vụ thu hoạch bí hồ lô Nhật vừa rồi ông Trình thu được gần 1 tấn bán với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg, bên cạnh đó, nhiều cây mít mới trồng nửa năm cũng đã ra trái.
Ông Trình cho hay, thời gian qua, Hội Nông dân xã Ia Chim đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng, đồng thời “cầm tay chỉ việc” cho nhiều hội viên, nông dân cách cải tiến và lắp đặt 2 công nghệ này.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở xã Ia Chim đã cải tiến hệ thống tưới phun mưa tự động và sắp lắp đặt bộ châm phân bón tự động Venturi như các hộ: Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thị Hoài thôn Nghĩa An; Trần Đình Mạnh, Nguyễn Mừng thôn Tân An…
Đứng trên vườn cà phê diện tích 1ha của mình, ông Nguyễn Mừng chia sẻ, sắp tới, dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông sẽ cải tiến lại hệ thống tưới phun mưa tự động, đồng thời lắp đặt bộ châm phân bón tự động Venturi. “Khi hoàn thành việc cải tiến và lắp đặt 2 hệ thống này, tôi có thể vừa chăm sóc cà phê, vừa chăn bò, vừa chăm sóc cao su cùng một lúc” - ông Mừng phấn khởi nói.
Thời gian qua, đã có nhiều lượt hội viên, nông dân ở các huyện, cũng như trong thành phố đến Ia Chim để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cải tiến cũng như lắp đặt 2 công nghệ này. Có thể thấy, việc tiên phong trong nghiên cứu để cải tiến cũng như áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt của các hội viên, nông dân ở xã Ia Chim là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp thời nay và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các hội viên, nông dân trong tỉnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Bài và ảnh: Đức Thành