Nông dân đâu mãi cuốc cày

08/12/2020 13:03

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in tiếng cười hào sảng của ông Tư Hoành- một lão nông tri điền ở xã Đoàn Kết khi “khoe” rằng, mấy năm nay ông nhàn hẳn, bởi gần như 100% các khâu trong “quy trình sản xuất” đều có máy móc thay sức người.

1.Ai nói cứ nông dân là phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mãi làm ruộng, làm rẫy bằng sức người, bằng cày cuốc? Không dám nói nơi khác, chỉ ở quanh đây, có nông dân nào phải đi cày bừa bằng sức người, sức trâu đâu? Có mấy nhà phải đi ra đồng gặt lúa bằng liềm hái đâu? Máy móc hết- ông Tư Hoành cười. 

Và, như cách nói của ông là “cho chú mục sở thị để tâm phục khẩu phục”, tôi được dẫn ra phía sau nhà xem máy gặt đập liên hoàn hiệu Kobuta được ông mua cách đây 2 năm. Ông Tư Hoành dí dỏm: Đời nông dân như tôi “lên hương” từ khi có cái máy này.

Trước đây, vào vụ gặt, phải huy động cả nhà, ai có điều kiện hơn thì thuê mướn người gặt thủ công, cả ngày không hết sào ruộng, rồi phải tuốt, phải phơi, quạt cho bay hạt lép…, nhưng nay khác rồi, với cái “anh” này thì mọi việc gọn ơ, nhà có hơn 1ha lúa, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ là xong, lúa được đóng bao, sạch sẽ, chi phí chưa bằng một nửa so với gặt thủ công- ông Tư Hoành kể.

Gặt cho nhà mình xong, ông rảnh rang đi gặt thuê cho bà con trong làng, trong xã, vào Ya Chim, Đăk Năng, thậm chí lên tận huyện Đăk Hà. Nguồn thu từ gặt lúa thuê mỗi vụ cũng không nhỏ.

Ông Tư Hoành cho rằng, hiện nay, trừ khâu xuống giống, còn hầu hết các khâu trong trong “quy trình sản xuất” đều được cơ giới hóa, từ làm đất, thu hoạch đến vận chuyển. Chi phí giảm, năng suất lao động tăng dẫn đến hiệu quả kinh tế cao là những ích lợi mà cơ giới hóa đem lại cho sản xuất nông nghiệp.     

Cần đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn để thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: H.L

 

Không chỉ gia đình ông Tư Hoành hay xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), trong những năm gần đây cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh ta đã có những bước phát triển đáng kể. Ở bất cứ cánh đồng nào, từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa, đều có thể bắt gặp hình ảnh người dân sử dụng máy móc trong sản xuất.

Trong chuyến công tác lên xã Măng Cành (huyện Kon Plông), chúng tôi gặp anh A Hủ đang điều khiển máy cày làm đất. Thấy mọi người có vẻ bất ngờ vì nơi đây vốn không mấy thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, anh cười: Mình mua máy cày năm ngoái, vừa làm đất ruộng, đất rẫy cho gia đình, vừa làm thuê cho dân làng. Ai cũng nhận thấy có máy móc thì mình đỡ vất vả, giải phóng sức người, năng suất lao động tăng thì hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Kể lại câu chuyện ấy là để khẳng định một điều, máy móc đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn tỉnh ta. Và hơn ai hết, những người nông dân nặng nợ với ruộng đồng hiểu rõ điều đó.

Báo cáo số 344/BC-SNN-KH ngày 23/6/2020 của Sở NN&PTNT đánh giá: Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng phổ biến; máy móc ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Đây là chính là nền tảng cho nông nghiệp đi theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển.

Cũng theo Sở NN&PTNT, trong những năm qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa cho nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay thế phương thức lao động truyền thống, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

Bà con nông dân sử dụng máy móc trong thu hoạch... Ảnh: H.L

 

Trong quá trình này, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã giải ngân hơn 6,76 tỷ đồng cho nhiều hộ nông dân vay mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Các loại máy móc phục vụ sản xuất (máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa…) được nông dân đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng qua khảo sát ở một số “vựa lúa”, như Đoàn Kết, Đăk Blà (thành phố Kon Tum), Đăk La (huyện Đăk Hà), Diên Bình (huyện Đăk Tô)… cho thấy, cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt trên 90%; khâu thu hoạch lúa đạt gần 100%.

2.Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu về vấn đề cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng cho thấy những khó khăn, tồn tại cần được giải quyết.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ cơ giới hóa mới tập trung cao ở các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, còn các khâu gieo cấy, chăm sóc phổ biến vẫn là thủ công. Nhận thức, khả năng tiếp cận các chủng loại máy móc cơ giới hóa của nông dân còn hạn chế. Trang thiết bị, máy móc chưa phong phú về chủng loại để đáp ứng được nhu cầu sản xuất. “Trừ những vùng thuận lợi, mức độ cơ giới hóa nhiều nơi còn thấp, nhất là trong sản xuất lúa, dẫn đến nhiều bất cập như chi phí sản xuất tăng do giá thuê nhân công cao; thời gian thu hoạch kéo dài, dễ gặp rủi ro về thời tiết, ảnh hưởng đến tiến độ vụ kế tiếp”- một kĩ sư nông nghiệp nhìn nhận.

Cũng theo anh, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nông dân phải tự thân vận động thực hiện cơ giới hóa. Vì vậy, đã đến lúc cần có sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể trong việc định hướng, hỗ trợ nông dân thực hiện cơ giới hóa; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tư nhân đầu tư mua máy móc giá trị lớn mà nông dân không thể tự mua được để cho thuê.

...và vận chuyển. Ảnh: H.L

 

Đồng thời khơi thông nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, lấy đó làm nền tảng để thúc đẩy công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc, nhưng bị “trói” bởi không có đất để đầu tư lớn.

Một khó khăn không nhỏ là đồng ruộng, rẫy vườn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ nên khó thực hiện cơ giới hóa. Dù từ tháng 3/2017, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã được giao quyền sử dụng cho hộ gia đình, trong khi bà con chưa hiểu rõ mục đích, phương pháp tích tụ nên “sợ mất đất”, có tâm lý cố giữ lấy ruộng đất.

Ông Nguyễn Văn Sáu- một lão nông tri điền khác ở huyện Đăk Hà thì cho rằng, bên cạnh sự chủ động của nông dân, các cấp chính quyền cần vận dụng tốt chính sách, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận, mua máy móc, thiết bị với lãi suất ưu đãi, góp phần đồng bộ cơ giới hóa sản xuất; thực hiện rốt ráo hơn việc dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng thực sự lớn, có thể đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại.

Không thể sắm máy cày khi mảnh ruộng chỉ vài sào, đạp ga là đụng bờ ruộng bên kia, hay mua máy gặt đập liên hoàn khi mỗi nhà chỉ có 1-2 sào, đưa máy lên xuống đã đủ mệt. Máy cần diện tích ruộng đồng lớn, thậm chí “thẳng cánh” để có thể “tung hoành”- ông nói.

Rõ ràng là, để thực sự có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải bắt đầu từ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, không thể để nông dân cứ mãi cuốc cày.

Hồng Lam

Chuyên mục khác