Nông dân Đăk Hà loay hoay trong “bão” dịch

19/08/2021 13:01

Chi phí đầu tư tăng chóng mặt, nông sản làm ra giá bán đã thấp lại còn khó tiêu thụ, người nông dân đang chật vật xoay xở trong cơn “bão” của dịch Covid-19.

Thiệt hại 1,5 tấn heo do dịch tả heo Châu Phi vào năm 2019, đến năm 2020, gia đình bà Cao Thị Tuyết, tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà quyết định tái đàn. Tháng 2/2021, khi giá heo hơi đang ở ngưỡng 70 nghìn đồng/kg, bà đầu tư mua 20 heo con với giá 2,2 triệu đồng/con. Chi phí mua con giống cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, trong khi, giá heo hơi đã giảm sâu xuống 55 - 56 nghìn đồng/kg. Dù chưa xuất chuồng, bà Tuyết cũng đã tính được sẽ thua lỗ. Từ tháng 2 đến giờ giá cám tăng 4 lần, mỗi lần tăng lên 20 nghìn đồng/bao. Tôi hỏi lý do tăng thì họ nói là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Giờ thì cứ nuôi thế, đến đâu hay đến đấy. Mai mốt đành bán rẻ thôi, chứ biết làm sao được - bà Tuyết phàn nàn.

Anh Hoàng Kim Nam, ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết, mỗi ngày, trại nuôi cá lồng bè của anh sử dụng từ 7 tạ đến 1 tấn cám cho đàn cá. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn cho cá đã tăng liên tục đến 9 lần, chi phí vì thế cũng bị đẩy lên rất cao. Trong khi, giá cá thành phẩm bán ra hiện nay lại giảm từ 7 - 8 nghìn đồng, thậm chí 15 nghìn đồng/kg so với năm ngoái. Khó khăn vì thế cũng nhân lên gấp đôi, gấp ba. “Giá cám bây giờ phải tăng 50 - 60 nghìn đồng/bao. Như mọi năm hơn 370- 375 nghìn đồng, nhưng năm nay phải vào 425 nghìn đồng, có khi 430 nghìn đồng/bao. Giá tăng lên nhiều lần như thế, có khi còn tăng nữa” - anh Nam lo lắng nói.

Anh Hoàng Kim Nam cho cá ăn. Ảnh: C.L

 

Ngoài giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nỗi lo lớn nhất của anh Hoàng Kim Nam lúc này là hơn 100 tấn cá đã “quá lứa” hơn nửa năm nhưng vẫn chưa thể xuất bán do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước kia, cá thường được xuất bán cho các đại lý lớn ở Gia Lai, Bình Dương… và bán lẻ cho các đại lý tại huyện Đăk Hà với tổng lượng xuất ra khoảng 2 - 3 tấn cá/ngày. Dịch bệnh bùng phát, việc tiêu thụ cá khó khăn hơn. Đặc biệt, trong đợt bùng dịch thứ tư này, cá khó vận chuyển đi tiêu thụ do nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, lượng cá bán ra chỉ còn 1 - 2 tạ/ngày, chủ yếu nhập cho các đại lý trong huyện.

Trong lần “tắc đường” này, không chỉ chăn nuôi gặp khó mà trồng trọt cũng không ngoại lệ. Trong khi các loại củ, quả được săn đón thì các loại rau ăn lá rơi vào tình trạng ế ẩm. Bà Võ Thị Huyền, ở tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà cho biết, bà đang dự tính sẽ chuyển khu vườn rau này sang trồng một loại cây công nghiệp hoặc cây ăn trái khác ổn định và dễ tìm đầu ra hơn. Nhưng cây gì ổn định đầu ra thì bà cũng chưa rõ. Trước đó, bà có ý định mở rộng thêm trại chăn nuôi gà và mở thêm chuồng nuôi heo, nhưng giờ giá heo, gà đều đua nhau lao dốc, giá cám tăng liên tục, ý định mở rộng cũng vì thế mà trì hoãn vô thời hạn.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phức tạp, giá vật tư nông nghiệp leo thang, nhiều mặt hàng nông nghiệp lao đầu rớt giá khiến nông dân gánh áp lực rất lớn. Cùng với đó, hiện nay, việc siết chặt quản lý các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông giữa các địa phương và hoạt động tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối khiến việc tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dần - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà cho biết: Với tình hình dịch thế này thì chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,… gần như không xuất bán được, nếu có cũng rất hạn chế về số lượng. Điều này khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ nông dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, vừa để bà con vơi bớt đi gánh nặng về vốn đầu tư, vừa có thể tái sản xuất ngay sau khi những rào cản về đầu ra cho nông sản như hiện nay được tháo bỏ.

Chung Loan

Chuyên mục khác