25/02/2022 06:04
|
Để phục hồi vườn cây sau thu hoạch cà phê niên vụ năm 2021, gia đình anh Phạm Quốc Huy ở tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà tất bật chở máy, kéo ống, lắp béc tưới và bón phân chăm sóc diện tích 1ha cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh. Đây là lần tưới thứ 2, sau thời gian thu hái cà phê cuối năm 2021. Anh Huy chia sẻ: “Với mỗi lần tưới, gia đình đã rải hơn 2 tạ phân bón tổng hợp NPK, giá thành hơn 1,5 triệu đồng/tạ. Anh Huy nhẩm tính với giá cà phê thời điểm mùa thu hái năm 2021, so với giá phân bón và chi phí hiện nay, người trồng không có lời. Nếu năng suất cà phê không đạt, gia đình có thể thua lỗ”.
Kề bên rẫy cà phê của gia đình anh Huy là 2ha cà phê của gia đình ông Tô Văn Lành. Từ cuối năm 2021 đến nay, gia đình ông Lành đã rải hơn 1 tấn phân lân và hơn 6tạ phân bón tổng hợp NPK, cộng với chi phí hơn 4 triệu đồng tiền dầu máy tưới. Đến nay, chi phí tái đầu tư vườn cây trên 20 triệu đồng, bằng 1 nửa so với tổng chi phí chăm sóc vườn cây cả năm 2021. Để tiết kiệm chi phí tái đầu tư vườn cây, gia đình ông Lành đã tận dụng thêm vỏ cà phê. Tuy nhiên, với giá phân bón tăng cao như hiện nay để phục hồi vườn cây, đảm bảo sản lượng năng suất so với cùng kỳ các năm là bài toán khó với gia đình ông Lành nói riêng và nhiều hộ trồng cà phê nói chung.
|
Theo nhiều đại lý phân phối phân bón trên địa bàn huyện Đăk Hà, thời điểm hiện tại, phân urê có giá dao động từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/tạ, NPK tổng hợp dao động từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tạ, lân Văn Điển dao động từ 4 - 5 trăm nghìn đồng/tạ... So với cùng kỳ năm 2021, thời điểm hiện tại, một số loại phân bón có giá tăng gấp đôi. Giá phân bón tăng cao đã tạo thêm gánh nặng cho người dân sau 1 năm giá cà phê nói chung và giá nông sản không ổn định.
Ông Phạm Văn Lĩnh- chủ cơ sở kinh doanh phân bón tại xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà chia sẻ: “Phân bón có loại tăng gấp 2 - 2,5 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái. Ví dụ như đạm Phú Mỹ cùng kỳ năm ngoái khoảng 800 nghìn đồng/tạ, thì hiện tại giá khoảng 1,75 - 1,85 triệu đồng/tạ. Theo các nhà cung cấp lớn, nguyên nhân phân bón tăng là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón trên thị trường”.
Toàn huyện Đăk Hà hiện có gần 23.000ha cây lâu năm, trong đó hơn 12.430ha cà phê, hơn 7.720ha cây cao su, 90ha trồng tiêu. Để giải bài toán khó về giá phân bón tăng cao, giúp nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đăk Hà đã khuyến cáo người dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất, khuyến khích nhân dân phát triển đàn gia súc để tận dụng nguồn phân chuồng phục vụ cho sản xuất, chăm sóc diện tích cà phê. Đồng thời, huyện Đăk Hà đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch hướng tới xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.
Thời điểm hiện tại thị trường phân bón vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nông dân vẫn đang loay hoay giữa cắt giảm chi phí phân bón hoặc tiếp tục đầu tư với hy vọng gặp may vào cuối vụ khi cà phê lên giá.
Minh Thái