27/09/2018 07:04
Con đường bê tông chạy dọc giữa 2 thôn Xuân Tân và Đăk Trang của xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) được xây dựng từ năm 2015. Con đường này trước đây là đất của gia đình ông A Klok ở thôn Đăk Trang. Trước kia, khi chưa có con đường này, những người dân trong 2 thôn đi lại rất khó khăn vì không có đường nối ra Quốc lộ mà phải đi đường vòng khá xa.
Sau khi có chủ trương của xã về quy hoạch, mở đường xây dựng nông thôn mới, được sự vận động của cán bộ xã, thôn, ông A Klok vui vẻ hiến một phần đất của gia đình với chiều dài 70m, ngang 4m, trị giá gần 250 triệu đồng để làm con đường bê tông xi măng thẳng tắp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.
Ông A Klok chia sẻ: Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi tình nguyện hiến một phần diện tích đất của gia đình để chung tay cùng bà con làm nên con đường bê tông xi măng này. Từ khi có con đường, việc đi lại giữa các thôn với nhau thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Làm được một việc có ích cho cộng đồng, tôi cảm thấy trong lòng rất vui.
|
Không những hiến đất làm đường, rất nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi còn đóng góp kinh phí, hàng chục ngàn ngày công lao động để làm mới và sửa chữa phòng học, nhà rông, kênh mương thủy lợi… Tại thôn Nông Nội (xã Đăk Nông), người dân đã phân công nhau lên rừng chặt cây, cắt tranh, bỏ công sức lao động trong vài tháng để xây dựng nhà rông truyền thống, làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của cư dân.
Ông Xiêng Thanh Giác, một người dân trong thôn bộc bạch: Để có được nhà rông to đẹp như thế này, người dân phải mất hơn 3 tháng để chuẩn bị. Từ việc xin chủ trương chặt cây, rui, mè, cắt tranh đến việc xây dựng. Tất cả các hộ gia đình trong thôn đều đồng lòng, chung tay góp sức xây dựng nên. Tính ra giá trị của nhà rông thôn Nông Nội trị giá gần 400 triệu đồng.
Đăk Nông là xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Xiêng Thanh Thiên - Phó Bí thư Đảng ủy xã, trước khi triển khai thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã đến từng thôn họp dân để tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa của chương trình; qua đó vận động nhân dân tham gia. Có được sự đồng thuận của người dân nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi cho hay: Từ năm 2013 đến nay, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến gần 39.000m2 đất, đóng góp trên 6 tỷ đồng, hơn 42.000 ngày công lao động cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; trong đó làm mới và sửa chữa gần 100km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa và sửa chữa 60km kênh mương nội đồng, xây dựng mới và tu sửa 13 nhà rông văn hóa, 2 hội trường thôn, 10 phòng học, 36 cầu – cống, 1 cổng chào… Ngoài ra, bà con nông dân cũng đã tham gia thực hiện 20 mô hình bảo vệ môi trường (dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm), 6 tổ tuyên truyền và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn phát triển bền vững.
Đăk Glei cũng là một địa phương làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Bà Y Thủy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Glei cho biết: Trong 5 năm qua (2013-2018) cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã góp 14.012 ngày công lao động, góp 183 triệu đồng tiền mặt, hiến 11.098 m2 đất...; tham gia làm mới và sửa chữa trên gần 100km đường giao thông nông thôn, trên 40km kênh mương nội đồng, gần 20 nhà rông và phòng học...; góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ việc hiểu được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, hầu hết bà con nông dân trong tỉnh đã từng bước thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước như trước mà đã biết đoàn kết, chung tay, góp sức trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Đến nay, mỗi cơ sở Hội xây dựng được 1 mô hình “Chi hội tham gia bảo vệ môi trường"; thành lập được 1.232 tổ “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”; vận động nhiều hộ hội viên, nông dân xây dựng hầm khí biôga, đào hố rác, xây nhà vệ sinh tự hoại. Ngoài ra, còn xây dựng 119 chi hội tự quản “Nông dân tham gia quản lý” về an toàn giao thông; thành lập 1.442 chi hội “Nông dân với pháp luật”. Hàng năm, có trên 40 ngàn hội viên nông dân đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong đó có 30 ngàn hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đặc biệt, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động gần 2.000 hộ dân tự nguyện hiến đất gần 100.000 m2 đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền mặt và hàng trăm ngàn ngày công để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng...
Có thể nói, trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khối lượng công việc người dân tham gia rất nhiều. Từ việc đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nâng cao đời sống, giảm nghèo, kiên cố hóa nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư và nhiều việc khác. Chính vì vậy, mà việc phát huy vai trò của người dân, để dân hiểu, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi là một trong những yếu tố chính góp phần xây dựng nông thôn mới thành công và bền vững.
Cao Cường