Nới rộng những “khe cửa” hẹp

21/07/2015 07:53

Ngày 9/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP (thay thế NĐ 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010) về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT).

NĐ 55 được ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và nông dân hoạt động trong lĩnh vực NNNT, vì có những điểm mới “rộng cửa” hơn trong cho vay phát triển NNNT và gỡ những quy định không còn phù hợp tại NĐ41. Đây được dự báo sẽ tạo luồng sinh khí mới trong cung ứng vốn cho khu vực tam nông…

Trước ngày NĐ55 có hiệu lực (25/7/2015), phóng viên Báo Kon Tum có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum để làm rõ những điểm mới và một số vấn đề liên quan trong Nghị định này.

Ảnh: M.B

 

Đề nghị ông cho biết những điểm mới cơ bản của Nghị định 55/2015/NĐ-CP so với Nghị định 41/2010/NĐ-CP?

So với NĐ41/2010/NĐ-CP, NĐ55/2015/NĐ-CP có một số điểm mới cơ bản sau:

Về đối tượng vay vốn: bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển NNNT bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (NN); đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực NN nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn (NT), ngoại trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khai khoáng, các cơ sở sản xuất thủy điện, nhiệt điện và một số loại hình doanh nghiệp khác.

Về mức cho vay không có tài sản bảo đảm: tăng gấp 1,5-2 lần so với quy định trước đây. Cụ thể, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (NĐ41 là 50 triệu đồng); tối đa 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (NĐ41 là 200 triệu đồng); tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại (NĐ41 là 500 triệu đồng).

NĐ55 còn bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được vay vốn không có tài sản bảo đảm, gồm: các HTX và liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, với mức vay tối đa từ 2-3 tỷ đồng.

NĐ55 có thêm quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất NN theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, với mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70%-80% giá trị dự án, phương án cho vay…

Nhìn chung, NĐ55 khắc phục được nhiều hạn chế trong NĐ41, đánh dấu những nỗ lực của NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng đối các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh NN, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành NN, phát triển NT.

Triển khai NĐ55, với vai trò của mình, Ngân hàng sẽ hướng dẫn, thực hiện chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực NNNT trên địa bàn Kon Tum thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ?

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, NHNN Chi nhánh Kon Tum đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn, đặc biệt là Agribank Kon Tum với vai trò chủ đạo trong lĩnh vực NNNT nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nội dung NĐ55 để tổ chức triển khai nhất quán và có hiệu quả trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, công khai về điều kiện, thủ tục, lãi suất vay vốn… tại UBND các xã, thị trấn nhằm hướng dẫn người dân về điều kiện thủ tục vay vốn theo các quy định mới.

Năm 2015, NHNN Chi nhánh tỉnh đã xây dựng và đang triển khai chương trình công tác, trực tiếp làm việc tại các huyện nhằm đánh giá kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư tín dụng, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp và các hộ dân; thông tin đến chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể những chính sách tín dụng mới như chính sách cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; giới thiệu các điểm mới của Nghị định 55/2015/NĐ-CP...

Thực tế, việc liên kết “4 nhà” để phát triển NN thời gian qua không đạt mục tiêu như kỳ vọng, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu sự liên kết của các ngân hàng. Vì thế, việc đổi mới chính sách tín dụng trên giống như việc tháo “nút thắt”, đẩy mạnh đầu tư phát triển NNNT. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thời gian qua, việc triển khai phát triển sản xuất NN theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn chưa đạt kết quả, các tổ chức làm đầu mối chưa thực sự mặn mà trong việc tham gia mô hình liên kết, còn nhiều e ngại khi triển khai các quy định về liên kết với hộ nông dân…

Điểm mới đặc biệt của NĐ55 này là có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất NN theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN.

Ông có thể cho biết tín dụng khu vực NNNT trên địa bàn Kon Tum từ năm 2010- năm thực hiện NĐ41 của Chính phủ- đến nay và dự báo quy mô tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng khu vực NNNT khi thực hiện NĐ55?

Đến nay, sau 5 năm đi vào cuộc sống, tín dụng cho vay phát triển NNNT theo NĐ41 của Chính phủ trên địa bàn Kon Tum đạt mức 4.286 tỷ đồng (chiếm 29% tổng dư nợ tín dụng), tăng 3,5 lần (tương ứng 3.049 tỷ đồng) so với năm đầu triển khai thực hiện NĐ41, với 106.563 khách hàng vay vốn. Có thể nói, tín dụng phục vụ phát triển NNNT đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng NTM; giải quyết các vấn đề xã hội như: việc làm, thu nhập, nhà ở, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào vùng sâu vùng xa, các hộ đối tượng chính sách...

 Triển khai thực hiện NĐ55, trong thời gian tới tôi tin tưởng rằng tín dụng phục vụ phát triển NNNT sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, quy mô tín dụng dự báo đạt mức trên 5.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 40% tổng dư nợ tín dụng, sẽ góp phần thay đổi diện mạo sản xuất khu vực NNNT theo hướng tập trung, thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển...

Rõ ràng đầu tư tín dụng NNNT thời gian qua đã giúp phát huy tích cực vai trò tự chủ của kinh tế hộ, tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, góp phần làm thay đổi bộ mặt NNNT. Tuy nhiên, trước cơ hội mới này, nhiều nông dân vẫn băn khoăn liệu NĐ55 có phát huy hiệu quả, vốn có đến tay người nông dân và ngân hàng có tạo thuận lợi giải ngân vốn cho nông dân vay?

Như đã đánh giá ở trên, tín dụng phục vụ phát triển NNNT đã phát huy vai trò “bà đỡ” trong lĩnh vực NNNT. Trong tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển NNNT trên địa bàn Kon Tum, thì dư nợ cho vay đối tượng cá nhân và hộ gia đình chiếm tỷ lệ 64%, với 106.420 khách hàng vay vốn.

Để triển khai NĐ55, về phía NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tích cực và chủ động công tác tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai hiệu quả trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo kịp thời, đề xuất, kiến nghị với NHNN Việt Nam về việc triển khai thực hiện các chính sách, nhằm có hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Các NHTM, NHCSXH tham gia cho vay theo NĐ55 tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức CT-XH trong triển khai thực hiện, ưu tiên dành phần vốn cho vay lĩnh vực NNNT, áp dụng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên (hiện nay là 7%/năm)...

Tuy nhiên, để NĐ55 thực sự đi vào cuộc sống, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, còn có sự phối kết hợp của các ngành trong công tác thông tin, tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ (công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm NN và quy hoạch cơ sở hạ tầng NT; hỗ trợ nông dân về KH-KT, thông tin về thị trường, tiêu thụ sản phẩm NN; triển khai tái cơ cấu ngành NN và xây dựng NTM...)

Câu hỏi cuối cùng, đề nghị ông cho biết tâm trạng của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, nông dân hoạt động trong lĩnh vực NNNT trên địa bàn khi tiếp nhận thông tin từ Nghị định mới này?

Ngành Ngân hàng xác định đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực NNNT là ưu tiên quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Với những sửa đổi, bổ sung mới về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT trong NĐ55, thì các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi hơn để đưa dòng vốn tín dụng phục vụ NNNT và người dân trên địa bàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp, nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ Nghị định này, qua đó phục vụ tích cực cho phát triển ngành NN tỉnh nhà...

Trân trọng cám ơn ông!

                                                                                  Minh Bảo (thực hiện)                     

Chuyên mục khác