Nỗi niềm của người trồng cao su khi vào vụ mới

04/06/2020 06:14

Theo thời vụ, mùa khai thác mủ cao su đã bắt đầu cách đây hơn 1 tháng, tuy nhiên, nhiều hộ trồng cao su trên địa bàn tỉnh vẫn “án binh bất động” không tiến hành khai thác mủ do giá mủ đang ở mức thấp, năng suất sụt giảm.

Năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của cây cao su. Do thiếu nước, lá vàng, tán lá không phát triển như mọi năm khiến năng suất mủ giảm đi đáng kể. Không những vậy, giá mủ cao su trên thị trường thấp hơn so với đầu mùa năm ngoái, điều này đã khiến người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh lo lắng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, giá mủ cao su trên địa bàn tỉnh đang được thu mua ở mức 220 đồng/độ (năm trước là 290 đồng/độ); mủ chén khô có giá 12.000 đồng/kg và 8.000 đồng/kg đối với mủ đông nước.

Với mức giá này cùng với năng suất mủ khai thác đạt thấp như hiện nay, theo tính toán của người trồng cao su, trung bình 1ha (400 cây) thu được 20 – 25kg mủ/ngày, tương đương 150.000 - 200.000 nghìn đồng.

Ông Phạm Văn Thuần (hộ trồng cao su ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) cho biết: Nhà tôi có 3ha cao su, vào đầu mùa năm ngoái cứ 2 ngày khai thác 1 lần,  tôi thu được 1 triệu đồng. Năm nay, sản lượng mủ khai thác được rất ít nên tôi dồn lại rồi bán luôn một lần, trung bình cứ 3 lần khai thác (6 ngày) bán được 1,5 triệu đồng, giảm một nửa.

Người dân đang chuẩn bị để bước vào vụ khai thác mới. Ảnh: Thanh Tùng

 

Nếu theo giá thị trường hiện tại, với những hộ gia đình lấy công làm lời thì vẫn còn có thu nhập, còn những hộ gia đình thuê nhân công khai thác thì chỉ đủ trả công. Trung bình cứ 1ha cao su, các chủ vườn phải trả cho công nhân khai thác 120 nghìn đồng, như vậy, với cách khai thác D2 (tức là 1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ) thì sau khi trừ các chi phí thuốc trừ sâu, phân bón... thì không có lãi.

Ông Văn Hóa ở phường Ngô Mây cho hay: Nhà tôi có 2ha cao su, nhưng vì vấn đề sức khỏe nên thuê nhân công khai thác. Mỗi lần như vậy, tôi phải trả cho nhân công 240.000 đồng. Sau gần 1 tháng, thấy tình hình giá cả và năng suất mủ vẫn không có dấu hiệu tăng, nên tôi đã quyết định dừng khai thác chờ đến khi nào có mưa, năng suất tăng và giá cả ổn định trở lại. Nếu tiếp tục cũng chỉ đủ trả tiền cho nhân công, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Các thương lái thu mua mủ cao su cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thông – chủ điểm thu mua mủ cao su ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) cho biết: So với 2 năm trước đây, người dân khai thác mủ muộn hơn 1 tháng, thế nhưng năng suất mủ vẫn không tăng, thậm chí giảm đi nhiều. Vào những năm trước, thời gian đầu mùa, trung bình tôi thu mua khoảng 2 – 2,5 tấn mủ/ngày, nhưng bây giờ chỉ hơn 1 tấn/ngày. Nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài, năng suất mủ còn thấp nhiều người vẫn chưa vào vụ khai thác.

Người trồng cao su đang hy vọng, trong thời gian tới, lượng mưa nhiều hơn giúp cải thiện năng suất mủ cao su khai thác. Bên cạnh đó, thị trường mủ cao su sẽ có diễn biến theo chiều hướng tốt hơn, để người trồng cao su có thêm động lực gắn bó với vườn cây.

Thanh Tùng

Chuyên mục khác