Nỗi lo sạt lở bên sông Pô Kô

29/06/2023 06:07

Con sông Pô Kô huyền thoại vốn nổi tiếng bởi phù sa màu mỡ, nhiều thuỷ sản có giá trị cho người dân. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm và sự thay đổi của thiên nhiên nên con sông đã và đang gây ảnh hưởng đất sản xuất, cây cối, hoa màu và đe doạ “nuốt” nhà dân, uy hiếp tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Sông Pô Kô bắt nguồn từ vùng núi huyện Đăk Glei, chảy qua huyện Ngọc Hồi rồi về huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum rồi đổ vào sông Đăk Bla. Từ bao đời nay, con sông cung cấp cho người dân nguồn lợi thủy sản, cho nước tưới, góp phần nâng cao năng suất cây trồng nhưng cũng chính sông Pô Kô đã và đang khiến người dân sống dọc sông lo lắng bởi cứ đến mùa mưa, sông lại hung dữ, cuốn phăng cây trồng của dân 2 bên bờ.

Những ngày đầu mùa mưa, đi trong cơn mưa nặng hạt dọc đường Hồ Chí Minh từ huyện Đăk Glei về Đăk Tô, chúng tôi chứng kiến bờ sông có nhiều điểm  sạt lở nặng nề, lòng sông ngày càng rộng thêm, uy hiếp sát nền đường Hồ Chí Minh.

Sạt lở trên sông Pô Kô uy hiếp đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk Glei. Ảnh: P.N

 

Tại đoạn sông qua thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei), dòng nước chảy xiết khiến đất sản xuất 2 bên bờ bị xói lở. Nhiều diện tích mì bên sông bị con sông “nuốt” sâu vào đất đai, hoa màu của người dân. Nhiều vạt đất, khu rẫy sản xuất của người dân đổ ập xuống lòng sông.

Anh Nguyễn Hồ Chí Tín (thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đắk Glei) có căn nhà dọc sông Pô Kô và một thửa đất trồng cây nông nghiệp. Những năm qua, con sông đã thổi bay phần đất ở phía sau, khiến nhà bị sạt lở. Khu đất rẫy trồng cây nông nghiệp cách nhà khoảng 100m, cũng bị dòng sông “nuốt” đến hơn 1/3 diện tích.

Tình trạng sạt lở đất khiến gia đình bất an, lo lắng. Vì sợ căn nhà nằm sát bờ sông sẽ bị sông nuốt nên năm 2022, gia đình anh đã vay mượn 500 triệu đồng để làm kè, xây phần nền sau nhà để chống chọi sạt lở.

Những cơn thịnh nộ của dòng sông Pô Kô không chỉ gây sạt lở đất sản xuất của người dân ở thị trấn Đăk Glei mà còn uy hiếp nhà dân, điểm trường học. Thực tế tại thôn Đăk Poi, chúng tôi thấy điểm trường Mầm non – Tiểu học thôn Đăk Poi và nhiều nhà dân nằm sát mép sông cũng đang trong tình cảnh chờ sông “nuốt”. Tình trạng sạt lở đã tiến gần sát mép điểm trường và cũng chỉ cách nhà người dân vài mét.

Xuôi về đoạn sông qua thôn Đăk Túc, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) dòng sông hung dữ cũng làm sạt lở đất. Đặc biệt, một đoạn đường Hồ Chí Minh dài hàng chục mét cũng đang bị sông uy hiếp. Hiện trạng là sông đã ăn dần vào phần hộ lan đường, làm phần kè bị sạt. Tình trạng này kéo dài mà không có phương án bảo vệ, đường Hồ Chí Minh sẽ bị con sông xâm lấn, nguy cơ đứt đường.

Ông A Gô-Trưởng thôn Đăk Túc cho biết, thôn có nhiều hộ sản xuất dọc bờ sông Pô Kô. Mỗi năm, đất sản xuất, hoa màu của bà con lại bị dòng sông cuốn trôi một ít. Năm ngoái đất bị sạt lở nhiều nhất, làm mất với khoảng 3ha đất sản xuất của 32 hộ. Trong thôn hiện có 6 nhà sống sát bờ sông, về lâu dài có nguy cơ bị sạt lở. Vì vậy, bà con mong muốn xây kè để khỏi sạt lở.

Theo bà Đinh Thị Y Ngọc - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Glei, khoảng 5 năm trở lại đây, dòng chảy sông thay đổi, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Để đảm bảo an toàn, huyện đã di dời được khoảng 244 hộ dân của các xã Đăk Pek, Đăk Kroong, Đăk Man và thị trấn Đăk Glei sống ven sông đến nơi ở mới an toàn. Hiện nay, dọc sông Pô Kô qua huyện còn có hơn 65 hộ khác có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Sạt lở sông Pô Kô uy hiếp trường học ở thị trấn Đăk Glei. Ảnh: PN

 

Bà Ngọc cho biết: UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh xem xét phân bổ kinh phí để phê duyệt phương án chỉnh trị sông Pô Kô và đầu tư kè chống sạt lở trên sông này. Hàng năm, trước mỗi mưa bão UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức di dời, cưỡng chế về nơi an toàn, vị trí tại nhà rông, hội trường thôn, nhà người thân..

Cũng theo bà Ngọc, chiều dài sông Pô Kô qua huyện Đăk Glei là 32km. Trong đó, chiều dài sông đã được đầu tư xây kè là hơn 1,9km. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư khoảng 5km kè phía Tây sông Pô Kô từ Trung tâm chính trị huyện đến cuối thị trấn Đăk Glei để đảm bảo sự an toàn cho các hộ dân.

Tương tự, tại huyện Đăk Tô, con sông đã và đang gây sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất của người dân canh tác dọc con sông Pô Kô ở các xã Pô Kô, Tân Cảnh, Diên Bình…

Ông A Thăm- Chủ tịch UBND xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) cho biết, đoạn sông Pô Kô chảy qua 5 thôn với chiều dài khoảng 10km. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều năm nay và con sông ăn dần vào đất sản xuất của bà con. Xã có 830 hộ dân thì có khoảng 30% hộ có đất đai, cây trồng bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông. Hiện địa phương không thể làm kè để bảo vệ đất sản xuất vì tiền đầu tư quá lớn. Vì vậy, bà con phải sống chung với sạt lở bờ sông và luôn cảm thấy bất an vào mùa mưa. 

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác