Nỗ lực xoá “vùng lõm” về điện

01/04/2019 06:13

Sản xuất, kinh doanh điện là một trong những ngành sản xuất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế khác và nhu cầu đời sống sinh hoạt của con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh ta đã tập trung đầu tư nhằm từng bước xoá những “vùng lõm, vùng trắng” về điện.

Tỉnh ta có nhiều thôn, làng vùng sâu, vùng xa với mật độ dân cư thưa thớt, có những nơi chỉ có vài chục hộ dân nhưng lại cách trung tâm xã tới hàng chục kilômét khiến cho việc tiếp cận điện của người dân gặp nhiều khó khăn. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân, thời gian qua, tỉnh ta chú trọng thu hút đầu tư, ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đưa điện lưới Quốc gia đến với người dân các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển lưới điện cho toàn tỉnh là trên 566,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn của dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2020 là 45 tỷ đồng; tiểu dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối Kon Tum với số tiền là 171,8 tỷ đồng; các dự án nâng cấp, mở rộng lưới điện để cấp điện trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, các đơn vị kinh tế, quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hỗ trợ đầu tư cấp điện cho các thôn, làng chưa có điện. Tiêu biểu như Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh hỗ trợ đầu tư lưới điện cho các thôn thuộc xã Hiếu (huyện Kon Plông), Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) đã đầu tư cấp điện cho một số thôn tại các xã của huyện mới Ia H’Drai, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đầu tư cấp điện cho các nhóm hộ dân ở khu vực biên giới... Các dự án này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đưa lưới điện phủ kín những thôn, làng xa xôi, hẻo lánh trên địa bàn tỉnh.

Có điện, người dân mua sắm thêm các thiết bị nghe nhìn để theo dõi thông tin, nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: T.H

 

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay, lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.972,43km đường dây trung thế, 1.682 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 279.521kVA và 1.601,18km đường dây hạ áp. Nhu cầu điện năng phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa từng bước được đáp ứng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Hiện lưới điện Quốc gia đã đến được 100% trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh, trên 98% số thôn, làng đã được hoà lưới điện; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới lên tới 99%, trong đó, ở khu vực nông thôn tỷ lệ này là 98,6%.

Thực tế chứng minh rằng, điện là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; góp phần nâng cao đời sống, trình độ dân trí cho người dân vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi trở lại thôn 1 của xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) sau hơn 3 năm kể từ khi thôn được đóng điện, cuộc sống của người dân thực sự bước sang một trang mới.

Trước đây, khi chưa có điện lưới, người dân trong thôn góp nhau 5 – 7 nhà mua một chiếc máy phát điện để giải quyết nhu cầu thắp sáng; nhà nào cũng chỉ dám mua vài chiếc bóng điện bật lúc chập tối để thuận tiện cho việc sinh hoạt. Nhưng từ ngày 01/01/2016, thôn 1- xã Ia Dom được hoà điện lưới Quốc gia, từ ngày đó, người dân bắt đầu sắm sửa nào là tivi, quạt điện, tủ lạnh...

Có điện, cuộc sống của người dân đã đổi thay rất nhiều, nhà nhà ở thôn 1- xã Ia Dom mạnh dạn mua sắm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đời sống. Trong làng, có nhà còn sắm máy cưa, máy xát gạo; các cơ sở dịch vụ làm đẹp, phục vụ giải trí cũng dần được mở ra để phục vụ nhu cầu của dân làng và giúp cho nhiều hộ dân có thêm thu nhập...

Làng Kon Plinh (xã Hiếu, huyện Kon Plông) hơn 2 năm về trước cũng là một trong những địa bàn bị cô lập về điện. Trước đó, do thiếu vốn nên ngành Điện chưa thể đầu tư cho Kon Plinh một công trình lưới điện với chiều dài đường dây tới gần chục kilômét đi qua cả một cánh rừng tự nhiên, địa hình đồi núi phức tạp. Vì thế, cuộc sống của người dân trong làng quanh năm chỉ làm bạn với bếp củi, đèn dầu; buồn tẻ, thiếu thốn đủ bề.

Thế nhưng, từ cuối năm 2016 đến nay, làng Kon Plinh đã có một diện mạo mới hoàn toàn sau khi được Nhà nước đầu tư đưa dòng điện Quốc gia đến với người dân. Nếu như trước đây những thiết bị điện như tivi, đài, nồi cơm điện, tủ lạnh... khá xa lạ với dân làng thì giờ nhà nào cũng có, thậm chí có nhà còn sắm thêm cả những thiết bị hiện đại như giàn karaoke, máy vi tính...

Mạng lưới điện nông thôn ngày càng phát triển, phủ kín các vùng quê giúp đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân, giúp bà con phát triển ngành nghề, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, du lịch, chế biến nông, lâm sản, tưới tiêu thuỷ lợi, phát triển nông nghiệp...

Việc tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống điện cho các địa phương cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa đã thực sự góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho người dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... 

Mục tiêu tỉnh ta đề ra là đến năm 2020, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Để làm được điều này, hiện nay, Sở Công thương phối hợp với ngành điện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nhất là dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2014-2020; tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng lân cận đã có điện, vùng dự án được hưởng lợi tham gia đóng góp công sức, nguồn lực tạo thuận lợi cho việc sớm đầu tư cung cấp điện cho các hộ dân vùng chưa có điện...            

Thiên Hương

Chuyên mục khác