Nỗ lực nhiều hơn cho PCI

22/08/2024 06:02

Tham gia đánh giá xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2006, qua 7 lần, thứ hạng PCI của tỉnh qua từng năm có nhiều thăng trầm. Trong đó năm 2022 có thứ hạng cao nhất (37/63 tỉnh thành), tuy nhiên, bước sang năm 2023 lại tụt 9 bậc, xếp thứ 46/63 tỉnh thành.

Bước vào năm 2023, tỉnh đã rất nỗ lực trong triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn vướng mắc.

Các trình tự, thủ tục hành chính được rút ngắn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, kết quả cải thiện xếp hạng PCI của tỉnh không như mong muốn. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh chưa đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, như chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; tính năng động, tiên phong có dấu hiệu chững lại.

Thực tế này được phản ánh qua thứ hạng PCI năm 2023 của tỉnh tụt tới 9 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/63 tỉnh thành và đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.

Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất giảm về điểm số và thứ hạng. Ảnh: TH

 

Trong 10 chỉ số thành phần thì chỉ có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, gồm gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động.

5 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022 gồm tính minh bạch; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý; an ninh trật tự.

Tin vui là có 3/10 chỉ số thành phần có điểm bằng hoặc cao hơn điểm trung vị, gồm chi phí không chính thức; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động.

Trong đó, Chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đa số doanh nghiệp (thông qua khảo sát) đánh giá tích cực, đạt 7,22 điểm, tăng 1,06 điểm so với năm 2022 và cao hơn 0,77 điểm so với điểm trung vị của năm 2023.

Với điểm số trên, Kon Tum đứng thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên về Chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.  Đây cũng là chỉ số được xếp thứ hạng cao nhất trong các chỉ số cấu thành chỉ số PCI tỉnh Kon Tum năm 2023.

Tin không vui là nhóm chỉ số thấp hơn điểm trung vị năm 2023 “đông đảo” hơn, gồm tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian; tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Đáng chú ý là Chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của chính quyền chỉ đạt 6,15 điểm, giảm 12 bậc và  0,31 điểm so với năm 2022; xếp hạng thứ 59/63 tỉnh thành phố và xếp thứ ba khu vực Tây Nguyên.

Kết quả này cho thấy các sở ngành, địa phương trong năm 2023 chưa thật sự năng động, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện hiệu quả đối với chủ trương, chính sách, chỉ đạo của cấp tỉnh, chậm cụ thể hóa để đưa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng gắn với hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy một số khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để (như công tác quy hoạch, đầu tư, lâm nghiệp).

Cần cải thiện tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương. Ảnh: T.H

 

Chỉ số thành phần Tính minh bạch năm 2023 chỉ đạt 5,95 điểm, giảm 0,13 điểm và 9 bậc so với năm 2022, thấp hơn 0,14 điểm so với điểm trung vị năm 2023, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố và xếp hạng thứ hai trong khu vực Tây Nguyên.

Điều này phản ánh doanh nghiệp còn những hạn chế trong thủ tục hành chính, tính minh bạch, tiếp cận đất đai cũng như sự năng động sáng tạo trong quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Nhiều năm qua, PCI trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Và quan trọng hơn, PCI đã trở thành một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Vì vậy cải thiện thứ hạng PCI đang là yêu cầu cần thiết để xây dựng chính quyền đồng hành, kiến tạo. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm hơn của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cần tiếp tục khắc phục tình trạng thủ tục kinh doanh có điều kiện  gây khó khăn cho doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai, nhất là sự phức tạp của thủ tục hành chính trong thuê, chuyển nhượng đất đai.

Một số vấn đề khác như công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định cũng cần được quan tâm giải quyết.

Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Duy trì và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư thông qua  gặp gỡ, đối thoại nhằm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.

Thành Hưng

Chuyên mục khác