Nỗ lực nâng cao chỉ số PCI

02/07/2021 13:01

Năm 2020, theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kon Tum đạt 62,02 điểm, đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước, giảm 1,52 điểm và không thay đổi thứ hạng so với năm 2019. Với quyết tâm cải thiện các chỉ số, nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI trong năm nay, tỉnh ta đã, đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

Trong đó, 3 chỉ số lớn được cải thiện tích cực và đạt yêu cầu đề ra của tỉnh là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,90 điểm - tăng 0,16 điểm và tăng 15 bậc so với xếp hạng toàn quốc năm 2019; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 6,34 điểm - tăng 0,52 điểm và tăng 10 bậc so với năm 2019; Chi phí không chính thức cấp tỉnh đạt 6,3 điểm - tăng 0,35 và đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, theo đánh giá phân tích và tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao làm đầu mối theo dõi chỉ số PCI cấp tỉnh), năm qua, các đơn vị và địa phương trong tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ được giao, dẫn tới 7/10 chỉ số thành phần PCI cấp tỉnh bị giảm điểm, sụt hạng so với năm 2019. Chẳng hạn như, chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh ta, năm 2020 đạt 7,42 điểm, giảm 0,22 điểm so với năm 2019, chỉ xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành phố (giảm 18 bậc).

Đối với chỉ số thành phần chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, năm qua đạt 6,35 điểm, giảm 0,03 điểm - đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc trên bảng xếp hạng cả nước so với năm 2019). 

Hội nghị cấp tỉnh đánh giá thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng chỉ số PCI. Ảnh: T.H

 

Chỉ tiêu thời gian thực hiện thủ tục hành chính công được rút ngắn hơn so với quy định đạt 69%, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm 2020 vẫn cao hơn 0,1% so với quy định.

Chỉ số thành phần đào tạo lao động của tỉnh đạt 6,35 điểm, giảm 0,25 điểm và giảm 01 bậc xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 5,87 điểm (xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố), giảm 0,98 điểm và giảm 41 bậc.

Chỉ số thành phần tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (do Văn phòng UBND tỉnh làm đơn vị đầu mối), đạt 5,73 điểm, giảm 0,06 điểm so với năm 2019.

Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất toàn tỉnh đạt 7,12 điểm và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, nhưng vẫn giảm 0,36 điểm. Tính minh bạch, tiếp cận thông tin của tổ chức, doanh nghiệp đạt 5,91 điểm, giảm 0,54 điểm.

Từ những kết quả đạt được về chỉ số PCI năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn ra nhiều tồn tại, hạn chế và hiện tại, lãnh đạo các sở, ngành thành viên UBND tỉnh đã, đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục, điều chỉnh để cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số chưa đạt. Trong đó, các địa phương, sở, ngành đã và đang quyết liệt điều chỉnh, tăng tính minh bạch, tiếp cận thông tin qua hệ thống trang điện tử quản lý nhiều hơn nữa; từ đó giúp cho tổ chức, doanh nghiệp có thông tin công khai, minh bạch và thường xuyên khi cần tìm hiểu yêu cầu dịch vụ hành chính công, thông tin một số dự án, quy hoạch, kế hoạch, thông tin về các gói thầu.

Ngay các tháng đầu năm 2021, các sở, ngành cũng đã tham mưu tỉnh củng cố, thành lập tổ công tác và tổ giúp việc thực hiện chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sát thực tế; đẩy mạnh phối hợp tham mưu tỉnh tổ chức học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để không ngừng nâng cao về nhận thức, trách nhiệm, năng lực và sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định, quy trình, thủ tục trong giải quyết công việc được giao. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, hiến kế làm tốt nhiệm vụ quản lý, thực thi công vụ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, cấp giấy phép, cập nhật quy định mới lĩnh vực công tác chuyên môn…

Cơ quan cấp tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phản ánh tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức khi thi hành công vụ thông qua đường dây nóng, hòm thư góp ý; tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, cắt giảm các khoản chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ, theo lĩnh vực, từng sở, ngành, hay theo địa bàn của huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung. Từ đây, xây dựng chương trình hỗ trợ kịp thời hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn.

Tiếp tục duy trì nhóm các chỉ số tốt, như chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai… Các đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách cần tiếp tục áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; rà soát điều chỉnh khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường.

Đối với nhóm các chỉ số cần cải thiện về lâu dài như chỉ số tính minh bạch, đào tạo lao động, các ngành đang phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn nữa về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, tăng cường mở rộng ngành nghề, số lượng và hiệu quả đào tạo đáp ứng theo yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức hiệp hội, hội doanh nghiệp làm cầu nối, tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo tỉnh có chỉ đạo giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tin rằng với sự chỉ đạo của tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực, quyết liệt khắc phục các tồn tại ở từng chỉ số thành phần như trên, sẽ sớm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Mặt khác, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng chỉ số PCI theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho những năm sắp tới.       

Trần Hà

Chuyên mục khác