Nỗ lực giảm nghèo ở vùng biên

03/06/2024 13:09

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của huyện Ngọc Hồi đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống, vật chất cho người dân.

Từ trục đường chính của thôn Hào Lý (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) rẽ vào một con hẻm nhỏ, chúng tôi đến nhà của chị Bùi Thị Thu (dân tộc Mường)- một trong những hộ khó khăn của thôn. Từ xa chúng tôi đã nghe được tiếng trò chuyện rôm rả từ ngôi nhà nhỏ của gia đình chị. Khi vào nhà, tôi nhận thấy bầu không khí của gia đình chị đang rất vui vẻ, phấn khởi.

Chuyện là vào năm 2023, chị Thu tham gia dự án chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó chị được hỗ trợ 1 con bò cái để phát triển kinh tế. Sau 1 năm chăm sóc, nay con bò cái đã sinh thêm một con bê, tạo điều kiện để gia đình chị tăng thêm thu nhập.

Chị Bùi Thị Thu phấn khởi nói: Tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sinh kế của chính quyền địa phương. Nay bò mẹ đã sinh ra bê con, tôi quyết tâm sẽ chăm sóc chúng thật tốt, để tiếp tục nhân đàn, qua đó phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.

Nhiều hộ dân phát triển kinh tế từ mô hình nuôi bò. Ảnh: T.T

 

Theo ông Bùi Văn Hiến - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hào Lý, năm 2023, thôn được hỗ trợ 8 con bò sinh sản cho 8 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đến nay số bò này sinh trưởng khỏe mạnh, 1 con bò đã đẻ bê con. Nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng đất vườn, bờ mương để trồng cỏ cho bò ăn. Ban quản lý thôn và các tổ chức hội thường xuyên đến thăm hỏi các hộ gia đình để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ khi có vấn đề xảy ra trên bò.  

Chị Y Xê (thôn Giang Lố II, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) cũng được hỗ trợ bò cái sinh sản vào năm 2023. Là hộ gia đình khó khăn, chị rất vui bởi gia đình có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế. Trước đó, chị Y Xê đã được cán bộ địa phương tập huấn kiến thức, kỹ thuật trong xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng trị bệnh về chăn nuôi bò cái sinh sản.

“Hiện nay, bò của gia đình đang sinh trưởng tốt. Mình cố gắng chăm sóc để bò sớm đẻ. Hi vọng trong thời gian tới, việc nuôi bò sinh sản sẽ là chìa khóa để gia đình mình thoát nghèo” - chị Y Xê tâm sự.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ bò sinh sản phát triển kinh tế. Ảnh: TT

 

Không chỉ tại xã Sa Loong, dự án hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn được triển khai tại địa bàn các xã Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Mô hình hỗ trợ bò sinh sản chỉ là một trong những cách làm hay, mô hình hiệu quả được chính quyền địa phương thực hiện. Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, dự án, chương trình, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là ở các vùng đồng bào DTTS.

Theo bà Y Lan - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện gặp nhiều thuận lợi. Các chương trình, chính sách được triển khai luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy; sự chủ động của các cấp chính quyền trong công tác điều hành; đồng thời, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, phối hợp thực hiện của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Qua đó, kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng DTTS trên địa bàn huyện đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần, đến nay, toàn huyện còn 481 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,95%; 384 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,36%; cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

Hiện trên địa bàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó có 2 xã nông thôn mới nâng cao là Đăk Nông, Đăk Kan), có 4 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, thị trấn Plei Kần đạt 6/9 tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh.

Những nỗ lực của địa phương đã góp phần tạo đà để phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững tại những địa bàn vùng sâu, khu vực biên giới của huyện Ngọc Hồi. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Tất Thành

Chuyên mục khác