Nỗ lực giảm nghèo của người Brâu

28/02/2018 18:01

​Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi có nhiều đổi thay tích cực. Từ chỗ chỉ trồng lúa, trồng mì, đến nay, hầu hết các gia đình người Brâu đều đã chuyển đổi trồng cao su, cà phê, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Lập gia đình từ năm 1998, nhưng hơn chục năm sau đó, vợ chồng chị Y Viên và anh A Hạnh ở làng Đăk Mế vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Chị Y Viên nhớ lại, ngày mới ra riêng lập nghiệp, vợ chồng chị được bố mẹ cho 1ha đất để trồng mì, trồng lúa; do không biết cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cái đói, cái nghèo đeo bám mãi.

Năm 2008, gia đình chị Y Viên được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi trồng 1ha cà phê để xóa đói giảm nghèo. Khi mới được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vợ chồng chị vẫn còn e ngại vì chưa biết gì về kỹ thuật trồng cây cà phê lại không có vốn liếng để đầu tư chăm sóc.

Thế nhưng, nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình nên vườn cà phê của gia đình chị đã phát triển xanh tốt.

Nhiều diện tích mì của người Brâu đã được chuyển đổi sang trồng cà phê

 

Chỉ 3 năm sau đó, cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch cũng là thời điểm vợ chồng chị Y Viên chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Thấy trồng cà phê mang lại hiệu quả, anh A Hạnh tiếp tục phục hóa thêm 1ha đất bỏ hoang bấy lâu nay để trồng cà phê. Đến nay, bình quân mỗi năm hộ gia đình anh A Hạnh và chị Y Viên có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Chị Y Viên còn “khoe”: Vụ thu hoạch cà phê năm ngoái, vợ chồng đã dành dụm được 95 triệu đồng xây cho bố mẹ căn nhà để ở. Niên vụ cà phê năm nay, gia đình thu được 100 triệu đồng, dự định sẽ dành vào việc đầu tư mua đất để tiếp tục trồng thêm 1ha cà phê nữa.

Con trai đầu của vợ chồng chị Y Viên hiện đang học lớp 12 (Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh). Vợ chồng chị cũng rất hy vọng nhờ nguồn thu ổn định từ vườn cà phê này sẽ chăm lo cho con vào đại học.

Ở làng Brâu bây giờ nói về làm ăn phát triển kinh tế gia đình, còn phải kể đến tấm gương của chị Y Hiệp (sinh năm 1982) - người cũng vừa được dân làng bầu là người uy tín (cùng với già làng Y Pan).

Chị Y Hiệp là một trong những người đầu tiên ở làng Đăk Mế mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng cà phê để bà con dân làng noi theo.

Ngoài trồng lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình, vợ chồng chị đã chuyển đổi trồng 3ha cà phê đến nay đã cho thu hoạch; đồng thời thử nghiệm thành công mô hình nuôi dúi, nuôi nhím để tăng thêm thu nhập cho gia đình…

Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2016, vợ chồng chị Y Hiệp đã tích góp được 500 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang thuộc hàng nhất nhì ở làng Đăk Mế.

Không chỉ dừng lại ở đây, vợ chồng chị Y Hiệp dự tính trong mùa mưa năm nay sẽ tiếp tục trồng thêm bời lời và cây ăn quả trên phần diện tích gần 1ha mới đầu tư mua được.

Chị Y Hiệp chia sẻ: Trước đây, mình phấn đấu làm kinh tế để thoát khỏi cái nghèo, để có điều kiện cho con cái được đến trường. Bây giờ, điều kiện kinh tế đã đảm bảo nhưng bản thân vẫn phải không ngừng nỗ lực để làm gương cho bà con dân làng noi theo.

Học theo gia đình các chị Y Hiệp, Y Viên, đến nay, nhiều hộ gia đình Brâu ở làng Đăk Mế đã chuyển đổi sang trồng cà phê có thu nhập hàng năm cả trăm triệu đồng như gia đình A Hiền trồng được 1ha, Y Srâu 2ha, A Diêng 1,5ha, Thao Thương 1ha…

Thôn trưởng Thao Lợi thống kê, làng Đăk Mế hiện có 267 hộ gia đình (982 khẩu), trong đó có 138 hộ đồng bào Brâu sinh sống (452 khẩu). Trước đây, đồng bào Brâu chỉ trồng lúa, trồng mì, bây giờ bà con dân làng đã phát triển được 20ha cà phê, 60ha cao su và từ chỗ đa số đều thuộc diện nghèo nhưng đến nay, chỉ còn 12 hộ nghèo.

Từ nhiều năm nay, gia đình Nàng An ở làng Đăk Mế chỉ trồng mì, trồng lúa. Nhận thấy nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ việc trồng cà phê, cao su nên mới đây, vừa thu hoạch xong rẫy mì, gia đình bà đã quyết định đào hố chuẩn bị đầu mùa mưa năm nay sẽ chuyển đổi sang trồng cà phê với quyết tâm thoát nghèo.

Nàng An chia sẻ: Bây giờ gia đình nào cũng trồng cao su, cà phê, giảm được cái đói, cái nghèo nên gia đình mình cũng phải chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao này, mong sao cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Kể chuyện giảm nghèo của người Brâu ở làng Đăk Mế, bà Y Pan - già làng và cũng là người có uy tín ở làng Đăk Mế khẳng định: Để người Brâu có được cuộc sống với nhiều đổi thay như hôm nay đó là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trước đây, người Brâu sau khi gieo hạt giống xuống ruộng rẫy chỉ biết trông chờ mưa thuận gió hòa, con chim con chuột đừng phá hại để có mùa màng tốt tươi; còn bây giờ, bà con đã được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế gia đình phát triển, đời sống văn hóa được nâng cao nên người dân cũng đã dần xóa bỏ các hủ tục, biết chăm sóc sức khỏe bản thân, chăm lo việc học hành cho con cái…

Vui với niềm vui về những đổi thay ở làng Brâu, già làng Y Pan, chị Y Hiệp và thôn trưởng Thao Lợi cho biết sẽ tiếp tục phát huy vai trò của già làng, thôn trưởng, người có uy tín để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để làng đồng bào Brâu ngày một phát triển.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác