03/07/2024 13:07
Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum đi qua 3 xã, phường của thành phố Kon Tum, với hơn 500 hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất với diện tích hàng trăm héc ta. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Trong tổng số 11km phải giải phóng đền bù thì đến nay mới bàn giao mặt bằng được gần 3km.
Điều đáng nói, mặc dù công tác kiểm kê đã hoàn thành, nhưng đến nay, thành phố Kon Tum vẫn chưa ban hành giá đất cụ thể nên chưa lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng được. Không có mặt bằng, nhà thầu không thể triển khai thi công, do đó tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng.
|
Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng TN&MT thành phố Kon Tum cho biết, chúng tôi đang tích cực tham mưu cho UBND thành phố ban hành giá đất cho dự án nhằm sớm giải quyết vướng mắc về mặt bằng phục vụ thi công các công trình của thành phố và của tỉnh xây dựng trên địa bàn. Việc chưa thể ban hành được giá đất cụ thể vì các quy định có nhiều thay đổi, chồng chéo, thậm chí, không thống nhất giữa các quy định.
Để có mặt bằng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tạm ứng trước kinh phí từ nhà thầu chi trả cho các hộ bàn giao trước mặt bằng phạm vi thi công đoạn cầu qua suối Trung Thành.
Theo ông Phùng Văn Long- Phó trưởng Phòng Quản lý dự án (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh) cho biết, hiện nay, trên tuyến đường tránh phía Tây thành phố Kon Tum còn nhiều vướng mắc về mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công. Trong đó, có vướng mắc trong tranh chấp giữa những hộ dân đã canh tác từ lâu nay nhưng chưa có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực cầu Trung Thành. Đây là vướng mắc khó nhất, bởi nếu không giải quyết được tranh chấp thì khó có mặt bằng để thi công.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua rà soát đã xác định được 5 trường hợp trên địa bàn phường Ngô Mây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thời điểm năm 1999. Qua tuyên truyền, giải thích, các trường hợp này đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ thửa đất trong giấy chứng nhận của các hộ từ trước tới nay không sử dụng và cũng không biết vị trí đất ở đâu.
|
Theo ông Hùng, thời điểm đó, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân nên thành phố đồng loạt triển khai. Vì vậy, việc đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân được thuê đơn vị tư vấn thực hiện, trong khi thời điểm đó máy móc lạc hậu và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương nên việc thống kê sai tên chủ sử dụng đất, diện tích, kích thước, loại đất là khó tránh khỏi. Từ đó, đã xảy ra tình trạng “đất một nơi, cấp giấy chứng nhận một nẻo”.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay vẫn chưa xác định được trên địa bàn có bao nhiêu trường hợp “đất một nơi, giấy chứng nhận một nẻo”, chỉ khi người dân mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến làm thủ tục cho tặng hoặc sang nhượng đất mới có thể phát hiện được.
Ngoài những vướng mắc đã nêu, trên tuyến đường này vẫn còn một số hộ đang sản xuất trên vùng ngập, bán ngập lòng hồ Ialy tiếp tục yêu cầu đền bù mới bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, qua rà soát, các hộ này trước đây đã được đền bù từ dự án trước đó nên không có cơ sở để tiếp tục được hỗ trợ từ dự án mới.
Ông Phùng Văn Long cho biết: Trước những vướng mắc trên, Ban đã đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo chính quyền các xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công xây dựng công trình để tuyến đường hoàn thành đúng kế hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển.
Hà Nam