Niêm yết giá hàng hoá ở chợ: Tiểu thương phớt lờ

09/03/2018 13:00

​Quy định về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết đã có từ lâu, thế nhưng, đến nay tại các chợ trên địa bàn tỉnh điều này vẫn chưa được thực hiện tốt. Việc các tiểu thương tìm cách phớt lờ quy định này khiến công tác quản lý giá gặp không ít khó khăn, người tiêu dùng rất dễ bị “hớ” khi mua hàng hoá.

Theo ghi nhận của phóng viên một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà, Sa Thầy đều có hàng trăm quầy hàng bày bán đủ các mặt hàng với kiểu dáng, chủng loại khác nhau từ quần áo, giày dép đến gia vị, bánh kẹo, thực phẩm khô… Thế nhưng, chúng tôi thấy hầu như không có ki ốt, gian hàng nào thực hiện việc niêm yết giá bán. Do giá bán không được niêm yết công khai nên người tiêu dùng không còn cách nào khác mỗi khi mua hàng là phải trả giá, mặc cả. 

Để chấn chỉnh việc niêm yết giá và bán hàng theo niêm yết giá, thời gian này, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố Kon Tum tập trung kiểm tra về lĩnh vực này tại các chợ trên địa bàn. Mặc dù đã có thông báo trước đó, tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra hầu hết các ki ốt, cửa hàng vẫn không hề có một tấm biển niêm yết giá bán. Tiêu biểu như tại chợ Trung tâm thương mại, tất cả các gian hàng từ bún bánh, đồ khô, thực phẩm công nghệ đến thực phẩm tươi sống... đều không có một tấm bảng niêm yết giá bán nào. Người mua hỏi mặt hàng nào thì người bán trả lời giá của mặt hàng đó, rồi hai bên cứ tha hồ mặc cả, thuận mua vừa bán.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá tại chợ Trung tâm thương mại. Ảnh: T.H

 

Chẳng riêng gì đợt này, thực tế, năm nào lực lượng chức năng cũng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt; rồi tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện quy định này nhưng vi phạm vẫn cứ tràn lan.

Theo một số chủ hàng, sở dĩ họ không thực hiện việc niêm yết giá, bởi giá cả hàng hoá nhập vào thay đổi liên tục, thậm chí từng giờ, họ lại buôn bán cả trăm mặt hàng, không có thời gian ngồi ghi giá. Đó là chưa kể đến việc người mua còn hay có thói quen “mặc cả”, giảm bớt vài đồng. Thế nên, nếu tiểu thương niêm yết giá và bán theo đúng niêm yết thì sẽ rất khó bán hàng.

Chị N.T. Đ (tiểu thương tại chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum) cho rằng: Các ki ốt kinh doanh tạp hóa với số lượng hàng lên đến hàng trăm loại, trong khi đó diện tích mặt bằng lại rất khiêm tốn, bày trí tất cả các loại sản phẩm đã là một điều khó khăn, nên niêm yết giá trên từng loại sản phẩm càng khó có thể thực hiện. Việc niêm yết giá đòi hỏi rất nhiều thời gian, trong khi nhiều mặt hàng có giá trị rất thấp, từ vài ngàn, giá cả liên tục thay đổi nên ai cũng ngại.

Đó là lý lẽ của các tiểu thương, nhưng với người tiêu dùng việc không niêm yết giá khiến nhiều người gặp không ít khó khăn khi đi mua hàng, nhất là buổi sáng sớm vì trả thấp thì lo bị chửi mà trả cao thì sợ bị “hớ”. Với việc không niêm yết giá bán, tiểu thương sẽ dễ dàng nhìn mặt mà đặt giá, rồi tranh thủ “té nước theo mưa” tự ý nâng giá bán cho những khách hàng không quen biết, không rành giá cả.

Chị Nguyễn Thị Hậu (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Thỉnh thoảng tôi cũng xuống chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum để mua sắm, vì ở đây hàng hoá dồi dào. Tuy nhiên, điều làm tôi ái ngại nhất chính là người bán hay nói thách, nhất là các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ khô. Nếu mình không mạnh dạn trả giá thì rất dễ bị mua đắt.

Tuy nhiên, theo lực lượng quản lý thị trường, hiện nay, việc kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết gặp một số khó khăn, vì theo quy định mỗi năm lực lượng chức năng chỉ được kiểm tra 1 lần. Trước khi kiểm tra phải thông báo cho các Ban quản lý chợ trước đó 3 ngày, trừ trường hợp có đơn tố cáo của người dân thì Chi cục mới kiểm tra đột xuất. Và trong khoảng 3 ngày đó cũng đủ thời gian cho các tiểu thương “chuẩn bị” niêm yết giá để đối phó.

Chưa kể, trên thực tế, nhiều tiểu thương biết rõ quy định, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn cố tình phớt lờ; sau khi ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt xong thì mọi việc đâu lại vào đấy.

Niêm yết và thực hiện bán đúng giá không chỉ là văn minh thương mại, mà còn là biện pháp hạn chế tình trạng lợi dụng biến động giá cả để tăng giá bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, để việc niêm yết giá thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao và trở thành nếp kinh doanh ở chợ, cùng với việc siết chặt biện pháp hành chính, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh trong việc niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết.

Thiên Hương

Chuyên mục khác