Niềm vui người nghèo với cà phê xứ lạnh

15/01/2017 18:01

Sau kỳ thu hoạch gặp mưa, cây cà phê xứ lạnh đón tiết trời nắng ấm của mùa khô Tây Nguyên lại cho mầm nụ mới. Nhìn cây cà phê đang phục hồi sau kỳ cho quả, nụ hoa li ti đầu các cuốn lá xanh bóng mượt trong rét nhẹ, bà con hy vọng một mùa cà phê thắng lợi nữa lại về.

Hân hoan mùa thu bói

Có lẽ từ xưa đến nay, chưa có cây trồng nào được người nghèo ở vùng Đông Trường Sơn chào đón như cây cà phê chè xứ lạnh, bởi ở vùng đất lắm mưa nhiều rét này, cây cà phê sinh trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác.  

Thấy được sự sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của cây trồng này, tháng 6/2013, UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông và chính thức hỗ trợ người nghèo trồng cà phê vào mùa mưa năm 2014. Qua hơn 2 năm kể từ khi trồng, cây cà phê xứ lạnh ở các địa phương đều cho bói.

Có dịp đi xuống các xã vùng Đông Trường Sơn trong mùa thu hoạch cà phê, chúng tôi thấy bà con thu bói cà phê vui như hội. Không vui sao được khi vườn cà phê mới 2 năm tuổi nhưng cao ngang mặt người, quả bói chín đỏ mọng vây đầy cành như những vườn cà phê đã đi vào kinh doanh thực sự.

Vườn cà phê xứ lạnh của gia đình A Nhiêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Ảnh: V.N

 

Trao đổi quanh cây cà phê xứ lạnh, A Nhiêng, thôn La Loa, xã Đăk Choong (Đăk Glei) hân hoan cho biết: Năm 2014, Ban chỉ đạo Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh hỗ trợ gia đình trồng 2 sào cà phê. Có giống cà phê tốt, có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê của cán bộ khuyến nông, vườn cà phê gia đình sinh trưởng tốt.

“Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, 2 sào cà phê cho gia đình thu được 3 tấn. Gia đình bán với giá 7,5 triệu đồng/tấn quả cà phê tươi và thu được trên 20 triệu đồng. Người nghèo chúng tôi có cơ hội thoát nghèo rồi!” - A Nhiêng thổ lộ niềm vui.

Ở thôn Đông Nây, xã Đăk Man (Đăk Glei), tôi gặp hộ A Mời được Đề án hỗ trợ trồng 1 sào cà phê. Bàn về cây cà phê, A Mời phấn chấn cho biết, cây cà phê Đề án hỗ trợ cho gia đình là giống mới F1TN1. Việc phát triển cà phê lại được huyện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê.

Cây cà phê phát triển nhanh, qua hơn 2 năm kể từ khi trồng, vườn cà phê của gia đình thu 2 tấn quả tươi (tính ra đạt năng suất 20 tấn/ha). Cùng với diện tích cà phê trồng ngoài dự án, gia đình thu được gần 3 tấn cà phê tươi và bán được gần 20 triệu đồng.

“Nhờ cà phê, năm nay gia đình tôi đăng ký thoát nghèo và mong Đề án tiếp tục hỗ trợ trồng thêm 2 sào cà phê nữa để thoát nghèo bền vững. Gia đình rất cảm ơn Đảng, Nhà nước hỗ trợ trồng cà phê!”- A Mời bộc bạch.

Ở thôn Tu Cần, xã Hiếu (huyện Kon Plông), tôi gặp A Tép. Từng mơ ước trồng cà phê chè để mở hướng thoát nghèo, năm 2014, gia đình A Tép được Đề án hỗ trợ trồng 4 sào cà phê. Vụ vừa qua, gia đình A Tép thu được 4 tấn quả cà phê và bán được 16 triệu đồng.

Vườn cà phê xứ lạnh của A Khanh, làng Long Rủa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông cho quả. Ảnh: V.N

 

Lần đầu tiên trong đời trồng cà phê và thu được số tiền lớn, A Tép không giấu niềm xúc động: Từ tiền bán cà phê, gia đình trả được nợ tiền vay mượn khi làm nhà, mua phân bón và trang trải nhiều khoản chi tiêu khác. Gia đình rất vui khi cây cà phê cho quả.

Cũng tại thôn Tu Cần, A Chân- người trồng cà phê theo Đề án cũng thu được 2 tấn cà phê tươi. Vui mừng trước thắng lợi ban đầu với cây cà phê, ông dự định sang năm sẽ tiếp tục đăng ký trồng thêm vài sào cà phê nữa.

Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu như cà phê ở đây không bị tư thương ép giá. Cả A Tép, A Chân đều than chỉ bán được với giá 4 triệu đồng/tấn cà phê tươi, thấp hơn gần một nửa so với ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Nguyên nhân được các hộ lý giải là do chưa quen bán cà phê, sản lượng cà phê ở đây ít, người không cạnh tranh với nhau nên bán với giá thấp.    

Tại thôn Long Láy, xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông), tôi gặp các hộ trồng cà phê theo Đề án. A Thảo, A Krinh trồng cà phê phấn khởi khoe mỗi hộ vừa thu được 30 bao cà phê (mỗi bao 65-70kg). Cà phê bán được với giá từ 5-6 triệu đồng/tấn.

Có tiền từ bán cà phê, bà con lo cho con em học hành, trang trải nhiều khoản chi tiêu và mua phân bón đầu tư lại cho việc chăm sóc cà phê. Bà con hy vọng trong vụ cà phê đến, khi vườn cà phê đi vào kinh doanh sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Cây trồng chiến lược cho hộ nghèo

Đồng cam cộng khổ và chia sẻ niềm hân hoan với người nghèo trồng cà phê, không ai khác chính là các cán bộ khuyến nông, các thành viên ban chỉ đạo đề án các cấp và các cán bộ tâm huyết với sự nghiệp giúp dân giảm nghèo và đưa cây cà phê chè lên vùng cao.

Gắn bó với người dân trong những ngày đầu thực hiện Đề án đến nay, anh Phong, cán bộ khuyến nông phụ trách việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei tâm sự: Thực ra, cây cà phê chè không phải là cây trồng xa lạ với người dân vùng cao. Trước đây, nhiều hộ từng trồng. Vì vậy, khi tập huấn và hướng dẫn, bà con đều mau chóng nắm bắt được kỹ thuật trồng cà phê. Khí hậu, đất đai ở đây phù hợp nên cây cà phê chè sinh trưởng nhanh. Các vườn cà phê trồng từ năm 2014 đến nay đều cho bói, bình quân mỗi cây từ 2-5kg. 

Qua thực tế kiểm tra và chiêm nghiệm trong quá trình đưa các loại cây con giống mới vào các xã vùng Đông Trường Sơn, ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei khẳng định rằng, đến thời điểm này, chưa có cây trồng nào hiệu quả kinh tế bằng cây cà phê xứ lạnh. Cây cà phê xứ lạnh thực sự là cây trồng giúp người nghèo có cơ hội giảm nghèo và làm giàu.  

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đánh giá cao chủ trương của tỉnh và kết quả ban đầu trong việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh. Nếu việc triển khai thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo đảm bảo các yêu cầu về đầu tư, nhất là các huyện quan tâm hỗ trợ phân bón đúng yêu cầu kỹ thuật và người dân bón phân xanh, phân chuồng đảm bảo quy định thì cây cà phê xứ lạnh sẽ còn cho kết quả tốt hơn nữa.

Từ kết quả kiểm tra việc phát triển cà phê xứ lạnh và trực tiếp chia sẻ niềm vui ban đầu với người dân trong vụ thu bói ở các địa phương, ông Chương cho rằng: Cây cà phê xứ lạnh chính là cây trồng chiến lược giúp cho người dân vùng Đông Trường Sơn có cơ hội thoát nghèo bền vững.  

Trần Văn Nhiên

Chuyên mục khác