Những tín hiệu vui từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Kon Plông

26/04/2020 06:02

Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh, UBND huyện Kon Plông xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1046/KH-UBND ngày 20/8/2019 về triển khai Chương trình hành động phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn, đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh. Sau gần một năm triển khai thực hiện, Kon Plông đã có những tín hiệu vui từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trương Ngọc Tuyền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Đến nay, huyện đã thành lập 1 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 170ha; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận 1 vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271ha. Mặt khác, huyện còn triển khai dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoanh vùng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 215,48ha (Măng Bút 128,2ha; xã Hiếu 36,7ha; Ngọc Tem 8ha; Đăk Tăng 42,58 ha); công nhận 1 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; hình thành 1 nhà máy chế biến rượu sim và nước giải khát dược liệu; xây dựng và đưa vào hoạt động 2 cơ sở vườn ươm cây giống tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.

Bên cạnh đó, huyện Kon Plông tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà địa phương có thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh và của Trung ương để doanh nghiệp xúc tiến triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Qua đó, thu hút được 42 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp; 14 dự án hộ gia đình và 1 dự án thu hút dân cư vào vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, củ quả xứ lạnh và các loại cây trồng khác với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.376,5 tỷ đồng. Lập hồ sơ đề nghị và được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu cho 22 sản phẩm trên địa bàn huyện và đang tiếp tục đề nghị chứng nhận cho 11 sản phẩm; hình thành 6 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm: gạo đỏ Măng Bút, trồng cây bắp lấy thân làm thức ăn gia súc, cây dược liệu đảng sâm và đương quy, mật ong rừng, cà phê xứ lạnh, bí Nhật.

Mô hình trồng cà chua ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: QĐ

 

Đến nay, huyện Kon Plông đã tiến hành giao, cho thuê đất với tổng diện tích 3.133,7 ha cho 42 doanh nghiệp, trong đó có 8 dự án đầu tư nông nghiệp kết hợp loại hình khác với diện tích 1.791ha. Các doanh nghiệp, cá nhân tiến hành triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà lồng, nhà kính với diện tích 19ha (tăng 15ha so đầu năm 2019). Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, tưới phun sương trong nhà màng 19ha và ngoài trời khoảng 70ha. Trên địa bàn hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất các loại rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao; có 6 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, Nhật Bản; có 4 doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích nhà kính l5ha, 1 doanh nghiệp trồng thủy canh trong nhà kính. 

Huyện cũng đã giao, cho thuê đất với diện tích 40,86ha cho 4 hợp tác xã (HTX). Toàn huyện có 18 HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; trong đó có 1 HTX trồng rau, hoa, đậu các loại sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới bét), 2 HTX được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích nhà kính, nhà màng 1ha...

Toàn huyện Kon Plông hiện có 27 hộ trồng các loại rau, củ, quả, sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới bét phun..., sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với tổng diện tích 32,5ha; trong đó hộ có diện tích lớn nhất là 1,5ha, hộ có diện tích nhỏ nhất là 1.500m2. Có 32 hộ trồng các loại cây ăn quả như (cam, bưởi, bơ…) với diện tích 175ha, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới bét,..), sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; trong đó hộ có diện tích lớn nhất là 9ha, hộ có diện tích nhỏ nhất là 0,5ha. Trên địa bàn huyện còn có 5 trang trại sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu với tổng diện tích 62,51ha; có 40 ha diện tích trang trại áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, có 2 trang trại đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Bên cạnh việc chọn giống, trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, huyện tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong khâu đóng gói, bảo quản, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hiện có 3 doanh nghiệp, 3 HTX đã chủ động đóng gói, bao bì sản phẩm bằng máy đóng gói hút chân không; 1 doanh nghiệp và 1 HTX có kho lạnh 15m3 để bảo quản sản phẩm rau, hoa quả tươi. Có 3 doanh nghiệp và 4 HTX đã thiết kế nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm như cà chua bi, dâu tây, xà lách, dưa leo babi và các loại rau ăn lá, bí Nhật, lúa gạo đỏ, các loại dược liệu với các nhãn hiệu: Nico Măng Đen, Yata Farm, Happy Organic - KPA, Sim Thiên Sơn, Gạo đỏ Măng Bút, Cao Sâm Tuyết Sơn…

UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng logo, nhãn hiệu, bao bì một số sản phẩm trên địa bàn với số lượng đăng ký nhãn hiệu 48 sản phẩm (nhóm sản phảm, củ, quả xứ lạnh Măng Đen; các sản phẩm măng nứa, tiêu rừng, cà phê xứ lạnh, gạo đỏ, dược liệu...). Huyện còn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, trang trại làm mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hiện nay, một số đơn vị có mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chuyên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu trung bình các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ ứng dụng công nghệ cao khoảng 2,5 tỷ đồng/ha/năm; doanh thu của ớt chuông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng công nghệ cao khoảng 2,8 tỷ đồng/ha/năm; cam 150 triệu đồng/ha/năm; đảng sâm 1,5 tỷ đồng/ha/năm; cà phê xứ lạnh trung bình 70 triệu đồng/ha/năm...

Đến nay, huyện đã trồng được trên 150ha dược liệu. Đa số diện tích trồng dược liệu được chuyển đổi từ đất hoang hóa và đất trồng một số loại cây hàng năm kém hiệu quả. Huyện đã khoanh được 14 vị trí phát triển dược liệu với diện tích khoảng 50ha; đồng thời khoanh vùng bảo tồn một số loại cây dược liệu như sâm cau, ngũ vị tử, giảo cổ lam, tiêu rừng, chuối rừng, chè dây, sơn tra, sim rừng, tre nứa với tổng diện tích 2.659 ha. Huyện cũng chỉ đạo xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và thu hái dược liệu bền vững.

Ông Phạm Thanh - Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã trồng một số loại cây dược liệu như cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy; trồng thử nghiệm một số loại rau, hoa như cà chua, dâu tây, bí Nhật, cây giống hoa anh đào, chuối nuôi cấy mô, địa lan... Theo ông Thanh, hiện nay trên địa bàn huyện Kon Plông có 2 HTX có cơ sở chế biến và thực hiện thành công các sản phẩm cao đảng sâm, đương quy, trà túi lọc, tinh dầu tiêu rừng, rượu sâm và các loại dược liệu khác. Năm 2019, Công ty TNHH Sim Thiên Sơn có 2 sản phẩm “Nước ép sim” và “Nước ép chanh dây” được chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biêu cấp quốc gia”; HTX Tuyết Sơn có sản phẩm “Tinh dầu tiêu rừng” đạt chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 cấp tỉnh”.

Về định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào “cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hình thành và củng cố chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện; kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp để thực hiện các đề tài khoa học ứng dụng, các nghiên cứu về giống, công nghệ sinh học, chế biến để chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và chế biến sản phẩm; bố trí các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất; chú trọng các vùng trọng điểm như Khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn phát triển dược liệu (đã được quy hoạch); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc sản xuất, kinh doanh dược liệu...

Quang Định

Chuyên mục khác