Những nghề “hốt bạc” dịp cuối năm

07/01/2023 13:29

Những ngày giáp Tết, hầu hết các ngành nghề, mua bán đều tranh thủ chạy đua với thời gian, vì thời điểm này ai cũng muốn sắm cho bản thân và gia đình mình có một cái Tết tươm tất. Chính vì thế, thời điểm cuối năm có không ít ngành nghề “hốt bạc”, bởi lượng khách tăng đột biến so với ngày thường.

Nghề nail

Với nhu cầu về làm đẹp ngày càng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khá hơn, nên nhu cầu làm nail (nghề làm móng tay, chân) của phụ nữ vào dịp Tết cũng nhiều hơn ngày thường. Làm nail không chỉ để móng tay, móng chân cho sạch sẽ, sơn màu đơn giản, mà còn đòi hỏi sự sáng tạo và tính thẩm mỹ theo xu hướng hiện đại ngày càng cao, là phần không thể tách rời nhu cầu mặc quần áo đẹp, tóc đẹp của chị em phụ nữ ngày nay.

Chị Trần Đình Trúc Giang - chủ tiệm nail ở đường Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum) cho biết: Thợ làm nail ngày nay giống như một nghệ nhân. Tính chuyên nghiệp và lành nghề của người thợ nail thể hiện trong từng bước từ vệ sinh móng đến việc sơn móng, khó nhất là cách thể hiện những thiết kế hoa văn, hình thù tinh xảo lên móng theo yêu cầu của khách hàng. Trong từng động tác, người thợ đều hết sức nhẹ nhàng và có độ chính xác cao. Để vệ sinh móng, cắt da, giũa móng và sơn móng chỉ mất từ 30-45 phút. Nhưng để làm đẹp cả đôi bàn tay, chân theo đúng yêu cầu của khách, có thể đến vài tiếng đồng hồ người thợ mới làm xong cho một khách.

Nhu cầu làm nail của phụ nữ vào dịp Tết nhiều hơn ngày thường. Ảnh: Sông Côn

 

Những ngày giáp Tết, các tiệm nail, hớt tóc, thẩm mỹ thường xuyên kín lịch, không đủ nhân sự để phục vụ. Những khách hàng quen thường phải gọi điện thoại đặt lịch trước, thậm chí có nhiều đêm đến 23 giờ, nhưng ở tiệm nail vẫn còn khách ngồi làm. Đương nhiên những ngày này thì tiền công có cao hơn những ngày thường nhưng ai cũng vui vẻ.

Tuy nhiên, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày nay không chỉ dừng lại ở bộ móng, thời trang, mà còn tập trung vào những tiểu tiết khác trên cơ thể như nối mi, nhuộm tóc, xăm mày, xăm môi, thời trang, làn da và mức chi trả cho các dịch vụ làm đẹp kể trên không hề rẻ, có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Ngày nay, ở thành phố Kon Tum, thợ làm những dịch vụ này và cả khách hàng, không chỉ có nữ giới mà còn có cả nam giới.

Nghề giết mổ gia cầm

Những ngày cuối năm hầu như gia đình nào cũng bận nhiều việc. Phần thì lo “tân trang” lại cho bản thân trẻ trung, xinh đẹp, phần thì lo dọn dẹp nhà cửa, sân hè cho tươm tất để đón Tết. Mặc dù dịp cuối năm bận rộn, nhưng hầu như gia đình nào cũng phải chuẩn bị vài con gà, con vịt để cúng tất niên, mời bà con, hàng xóm tham dự cho thêm phần rôm rả trước khi bước qua năm mới. Đây cũng là thời điểm những người làm nghề giết mổ gia súc làm việc không có thời gian ngơi tay.

Vào chợ Duy Tân (thành phố Kon Tum), vợ chồng tôi mua con gà trống nặng hơn 2 kg, rồi nhờ làm thịt luôn. Anh chủ hàng gà tươi cười bảo chúng tôi đi đâu đó khoảng 15phút sau quay lại lấy (nếu có việc), vì họ đang làm dở mấy con gà cho khách vào trước. Nhưng số lượng gà nhiều và sợ gà của mình mua lẫn lộn với những con gà khác, nên chúng tôi đứng đợi.

Khi được hỏi chuyện, bà Trần Thị Bảy-  người làm gà ở đây tươi cười cho biết: Mấy “đồng nghiệp” ở khu chợ này hay gọi tôi với biệt danh “bàn tay vàng trong làng giết mổ gia cầm”, vì tôi đã làm nghề này hơn 10 năm nay. Gọi là “nghề” nghe cho “oách” vậy thôi nhưng đây đơn thuần là lao động chân tay, mà nếu chịu khó thì ai cũng có thể làm được. Trước kia tôi từng đi làm thuê rất nhiều nghề, nhưng từ khi có tuổi, sức khỏe giảm sút đành phải chuyển qua làm giết mổ gà vịt thuê. Ngày bình thường thì không mệt lắm nhưng mỗi dịp Tết đến thì làm quần quật từ sáng đến chiều tối.

“Tuy hơi vất vả, suốt ngày loay hoay trong ki ốt chật hẹp, nặng mùi hôi, nhưng bù lại, nghề này được làm trong mát và thu nhập cũng ngang ngày công lao động bình thường. Nay làm có máy móc hết rồi, đưa gà vào máy quay chừng 2 phút sạch trên 95% lông. Ngày thường làm gà giá 10 ngàn đồng/con, vịt là 15 ngàn đồng/con, nhưng những dịp lễ tết thì giá tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Có những ngày tôi làm từ 150 đến 200 con là chuyện bình thường”- bà Bảy cho biết thêm.

Bằng động tác nhanh nhẹn và dứt khoát, chỉ chừng 5 phút, từ chú gà trống tôi mua ban nãy đã ra “thành phẩm”, lòng mề đều được làm sạch cả, bà Bảy nhanh tay cho vào túi ni lông giao lại cho chúng tôi.

Dạo quanh một số điểm giết mổ gia cầm tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, những người làm việc ở đây không hề ngưng nghỉ, người cắt tiết, người nhổ lông, người mổ bụng, thoăn thoắt đôi tay. Những dịp lễ tết, người làm nghề giết mổ gia cầm cũng có thể thu về cả triệu đồng mỗi ngày.

Nghề rửa “xế cưng”

Đã thành thông lệ, cứ những ngày giáp Tết là các tiệm rửa xe đông nghịt khách đậu xe xếp hàng chờ đợi. Ai cũng muốn phương tiện của mình được sạch sẽ, bóng đẹp, xăng đổ đầy bình để đi chơi Tết. Mặt khác, theo quan niệm của nhiều người, việc rửa xe vào những ngày cuối năm như một cách để rửa đi mọi xui xẻo của năm cũ để mang lại may mắn, tốt đẹp cho năm mới. Đó chính là lý do mà công việc rửa xe tưởng chừng như không đem lại nhiều lợi lộc vào những ngày thường nhưng lại “hốt bạc” vào những ngày cuối năm.

Giáp Tết là thời điểm các tiệm rửa xe đắt khách. Ảnh: ĐV

 

Bà Hà Thị Tuyết Nhung- chủ dịch vụ rửa xe Hùng Nhung ở đường Võ Văn Dũng, phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) cho biết: Những ngày giáp Tết Nguyên đán, hầu như chỗ rửa xe nào cũng tăng giá lên từ 20- 30 ngàn đồng so với ngày thường, nhưng khách cũng không hề phàn nàn gì, mà chỉ mong nhanh đến lượt xe mình rửa xong đề về lo việc nhà. Đối với các chủ xe, một năm bận rộn nếu bỏ ra thêm vài chục ngàn đồng để rửa xe sạch sẽ cũng không phải là vấn đề gì. Hơn nữa, năm mới, cũng không có ai muốn chiếc xe của mình bị dơ bẩn. Ngày bình thường gia đình tôi rửa chỉ khoảng 30 chiếc, nhưng những ngày cuối năm số lượng xe vào rửa tăng hơn gấp đôi. Mặc dù gia đình tôi phải thuê thêm người, tôi (năm nay đã 63 tuổi) cũng tham gia rửa từ sáng đến tối nhưng phải cố gắng lắm mới kịp cho khách.

Chở cây cảnh thuê

Tết đến, Xuân về nhà nào cũng tranh thủ đặt trong nhà mình một vài chậu hoa để chưng Tết, với mong muốn mang không khí mùa Xuân mới về với ngôi nhà thân yêu của mình. Chính vì thế, khi những chợ hoa Xuân đi vào hoạt động thì cũng là lúc những người chở thuê cây cảnh cũng bắt đầu công việc của mình. Họ thường là những người nông dân, thợ hồ, xe thồ tranh thủ những ngày giáp Tết làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 

Nghề chở cây cảnh thuê cũng ăn theo dịp cuối năm. Ảnh: ĐV 

 

Đối với những khách hàng mua ít, cây nhỏ, giá trị cây không lớn người chở thường chọn cách vận chuyển bằng xe máy. Tùy theo giá trị cây, kích cỡ và quãng đường xa hay gần mà có giá khác nhau nhưng thường dao động từ 50- 200 ngàn đồng.Ngược lại, đối với những cây cao, to, giá trị lớn, cồng kềnh thì người chở thuê bằng xe ba gác máy, hoặc xe tải, xe cẩu thì giá sẽ cao hơn có khi lên đến tiền triệu mỗi chuyến, tùy vào khoảng cách quãng đường và cây to cồng kềnh.

Theo nhiều tài xế chở hoa chợ Tết, càng tới ngày giáp Tết thì số lượng người mua hoa càng đông, nên cho thu nhập gấp mấy lần ngày bình thường. Tuy nhiên, người chở thuê cũng phải chịu khó, cẩn thận. Không ít trường hợp do nóng vội để kịp quay lại chở thêm các chuyến khác mà đi với tốc độ nhanh, cây cảnh bị rơi rụng hoa, quả khiến cây không đẹp như lúc mua.

Ngoài ra, còn không ít ngành nghề khác cũng “hốt bạc” trong dịp Tết Nguyên đán, vì nhu cầu của người dân tăng cao. Và những dịch vụ “ăn theo” ấy góp phần làm nên “không khí đặc trưng” những khi Tết đến, Xuân về./.

ĐẮC VINH

Chuyên mục khác