14/07/2020 13:08
Đó là mô hình “Nuôi thỏ sinh sản và lấy thịt” của nông dân Sầm Văn Phá (dân tộc Nùng) ở thôn 5, thị trấn Đăk Rve. Từ lúc trong tay chỉ có 3 con thỏ cái, 1 con thỏ đực và 1 cái chuồng nhỏ vào năm 2010, đến nay, nông dân Sầm Văn Phá đã phát triển mô hình nuôi thỏ của gia đình với số lượng hơn 300 con, trong đó có 60 con cái cùng 2 nhà nuôi (nhà phối giống và nhà nuôi thịt) với tổng diện tích hơn 150m2.
Ông Phá cho biết, nuôi thỏ có nhiều ưu điểm đó là không tốn nhiều công sức, kỹ thuật chăm sóc không cao, bản thân con thỏ sinh sản nhiều và nhanh, nguồn nguyên liệu thức ăn dễ tìm, thích hợp với các hộ dân chưa có nhiều vốn đầu tư. Ngoài ra, thịt thỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn lớn và nhiều tiềm năng.
Nuôi thỏ sinh sản, ngoài nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, chuẩn bị chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, tiêm vắc-xin, vitamin đầy đủ cho thỏ, cần chú ý đến việc thay đổi thỏ đực và thỏ cái giống định kỳ, vì đây là yếu tố quan trọng để phát triển đàn thỏ sau này.
|
Thức ăn chính của thỏ là cỏ và lá có sẵn trong tự nhiên. Tốt nhất nên cho thỏ ăn cỏ voi, lá vông cùng ăn dặm 2 bữa cám mỗi ngày. Phải có nguồn thức ăn đầy đủ cho thỏ, nếu trồng cỏ phải theo quy tắc “gối đầu”. Cắt cỏ và hái lá vào lúc trời nắng. Không để cỏ và lá được đọng nước mưa hoặc sương, vì thỏ ăn vào sẽ bị bệnh rối loạn tiêu hóa và chết. Mùa mưa, sau khi cắt cỏ và hái lá, phải thực hiện quy tắc “cho thỏ uống nước nào thì rửa cỏ và lá bằng nước đó”, sau đó để ráo cho khô trước khi cho thỏ ăn.
Có thời điểm, mô hình nuôi thỏ của ông Phá có tổng đàn gần 1.200 con. Mỗi tháng bán cho thương lái ở thành phố Kon Tum hàng chục con. Hiện nay, 1 cặp thỏ 35 – 40 ngày tuổi có giá 150.000 đồng và 1 con thỏ 3- 3,5 tháng tuổi, trọng lượng từ 2- 2,5kg có giá bán dao động từ 160.000- 200.000 đồng. Mô hình được xem là “lấy ngắn nuôi dài”, giúp ông Phá có kinh phí hàng tháng để phát triển mô hình trồng cây công nghiệp lâu năm mà gia đình đang thực hiện.
Cũng ở thôn 5, thị trấn Đăk Rve, nông dân Trần Thị Hồng Thủy được xem là một trong những người nuôi lợn kinh nghiệm nhất vùng. Gắn bó với nghề nuôi lợn sinh sản và lấy thịt đã được 23 năm, chị Thủy là người hiểu rõ nhất những thuận lợi, khó khăn và trải qua nhiều thăng trầm của việc nuôi lợn.
Chị Thủy cho biết, nuôi lợn tuy chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật chăm sóc cao nhưng bù lại sau hơn 5 tháng từ khi sinh ra, lợn có thể được xuất chuồng và thu lãi cao. Là người nuôi lợn không bị ảnh hưởng trong đợt cao điểm của dịch tả lợn Châu Phi vào năm ngoái, chị Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ, nuôi lợn có tính rủi ro, bởi sẽ bị thiệt hại nếu không thực hiện tốt và nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh.
Hiện nay, mô hình nuôi lợn của chị Thủy có quy mô gần 320 con, trong đó có 30 con lợn nái. Mỗi tháng trung bình xuất đi thị trường thành phố Kon Tum và tỉnh Quảng Nam khoảng 40 con lợn thịt, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng cho gia đình.
|
Còn ở thôn 3, nông dân Lê Huy Định được biết đến là người tiên phong và trồng rau hữu cơ có quy mô lớn nhất thị trấn Đăk Rve. Mô hình “Trồng rau hữu cơ” của anh Định có diện tích hơn 3,2 sào, trồng các loại rau, củ, đậu, cây gia vị…
Anh Định nhớ lại, cơ duyên đến với việc trồng rau hữu cơ là từ chuyến đi thăm người thân ở tỉnh Lâm Đồng cách đây 3 năm. Thấy người thân trồng rau hữu cơ hiệu quả, ít công chăm sóc, vài tháng đã cho thu hoạch, được nhiều người đón mua nên sau khi trở về địa phương anh quyết tâm chuyển đổi 3,2 sào đất mà gia đình đang trồng mì (gần suối Đăk Pne) cùng đầu tư kinh phí để trồng rau hữu cơ.
Hạt giống anh Định mua của 1 doanh nghiệp ở thành phố Kon Tum, phân bón lấy từ mô hình nuôi trâu và bò của gia đình, nguồn nước được bơm từ suối Đăk Pne. Sau 1 năm trồng, sản phẩm rau hữu cơ của anh Định được nhiều người biết và tìm đến tận vườn để mua.
Hiện nay, mỗi tháng, mô hình của anh Định cung cấp cho thị trường Đăk Rve và Măng Đen gần 1 tấn rau các loại mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Anh Định cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ thêm 2 sào để trồng măng tây và khoai môn.
Anh Nông Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Rve chia sẻ, xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, nông dân Sầm Văn Phá, Trần Thị Hồng Thủy, Lê Huy Định và các nông dân khác không chỉ giúp gia đình phát triển thu nhập, làm giàu chính đáng mà còn tạo nên mô hình điểm để các hội viên, nông dân đến tham quan, học hỏi và góp phần đẩy mạnh việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tại địa phương.
Đức Thành