Những khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản

02/07/2023 13:14

Thời gian qua, công tác quản lý về đầu tư công tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời nhằm đôn đốc việc triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Nhờ đó, nhiều dự án hoàn thành góp phần tạo nên dáng vóc mới của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì trong quá trình triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nhiều dự án bị chậm.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó, có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan và cả vướng mắc trong các quy định của pháp luật.

Khó khăn đầu tiên chính là việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm. Một số dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến việc thanh lý tài sản công đã được đầu tư trước đó nên phát sinh nhiều thủ tục trong việc thẩm định, đánh giá và cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc giữ lại hay tháo dỡ, do đó, phát sinh nhiều thủ tục trước khi có thể triển khai thực hiện.

Nhiều dự án xây dựng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: PN

 

Trong quá trình lập chủ trương đầu tư cũng như lập dự án, một số đơn vị chủ đầu tư chưa khảo sát, đánh giá kỹ các vấn đề về rừng, đất rừng dẫn đến khi thi công mới phát hiện vướng đất rừng, làm chậm tiến độ thi công, tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo sự chủ động cho địa phương, làm mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, công tác khảo sát, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chưa tốt, chưa phù hợp với thực tế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần. Minh chứng là trong năm 2022, có tới 26 dự án cấp tỉnh quản lý phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (trong đó, 20 dự án điều chỉnh lần 1, 5 dự án điều chỉnh lần 2 và 1 dự án điều chỉnh lần 3).

 Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án xây dựng cơ bản gặp vướng mắc do một số sở quản lý chuyên ngành về xây dựng thẩm định thiết kế còn thiếu sót, chất lượng thẩm định chưa đảm bảo, chưa cao dẫn đến phải chuyển trả lại hồ sơ dự án để chủ đầu tư phối hợp với sở quản lý chuyên ngành về xây dựng, các đơn vị liên quan để kiểm tra, rà soát nên chậm tiến độ trong tổng hợp, trình phê duyệt…

 Một trong những khó khăn nhất trong triển khai các dự án xây dựng cơ bản là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh vướng mắc chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng; trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư.

Bên cạnh đó, kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó, chưa có cơ sở để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện bồi thường.

Làm tốt khâu giải phóng mặt bằng sẽ tạo thuận lợi cho đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Ảnh: P.N

 

Trước những khó khăn, vướng mắc, trong tháng 5/2023, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề về lĩnh vực xây dựng cơ bản để làm rõ những vướng mắc, đánh giá những nguyên nhân và đề ra giải pháp để tháo gỡ. Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp, như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định. Rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án. Nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Chuẩn bị mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, giám sát), nhà thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng công việc không đúng với hình thức hợp đồng. Đồng thời, triển khai quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án và tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác