Những “kho báu” đa dạng sinh học

12/05/2024 13:07

Các khảo sát về đa dạng sinh học được tiến hành nhiều năm qua đã cho thấy tỉnh ta đang sở hữu những “kho báu”. Tuy nhiên việc bảo vệ các “kho báu” ấy trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của mỗi người dân và toàn xã hội.

Hiện nay, tỉnh ta có 3 khu rừng đặc dụng, gồm Vườn quốc gia Chư Mom Ray (được công nhận là Di sản ASEAN năm 2004), Rừng đặc dụng Đăk Uy và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Các tài liệu điều tra về sinh thái và tài nguyên rừng cho thấy, đây thực sự là những “kho báu” về đa dạng sinh học, với hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng về chủng và loài.

Về hệ thực vật rừng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có khu hệ thực vật mang yếu tố đặc hữu đặc trưng cho khu hệ thực vật Trường Sơn Nam. Tuy số lượng loài đặc hữu khá khiêm tốn, với 33 loài, nhưng những loài này lại tồn tại phát triển ổn định trong hệ thực vật rừng của Vườn quốc gia.

Bên cạnh đó, trong số 1.895 loài thực vật bậc cao có mạch đã thống kê được 192 loài nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị cao về kinh tế và khoa học. Trong đó, có một số loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt như: Chò chỉ, tuế lá xẻ, kim giao, kim giao núi, cẩm lai, trầm hương, vù hương, dầu đọt tím.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về chủng và loài. Ảnh: HL

 

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã thống kê được 1.091 loài thực vật bậc cao thuộc 173 họ thực vật khác nhau; có 23 loài đặc hữu cho Việt Nam hiện đang tồn tại phát triển ổn định; có 59 loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có một số loài đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, như sâm Ngọc Linh, trầm hương, cầu diệp Ngọc Linh.

Rừng đặc dụng Đăk Uy có nhiều loài thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học cao, thuộc loại quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và hạn chế sử dụng. Nhiều loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam như trắc, cẩm lai, giáng hương.

Về hệ động vật rừng, tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đến nay đã thống kê được 1.001 loài động vật thuộc 6 lớp Côn trùng, Chim, Thú, Cá, Bò sát và Lưỡng cư. Có 112 loài quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, cần ưu tiên bảo tồn như: Mang Trường Sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, sói đỏ, mèo rừng, beo lửa, gấu ngựa, voọc vá chân nâu, voọc vá chân xám, voọc vá chân đen.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, đến nay đã thống kê được 716 loài động vật thuộc 4 lớp Thú, Chim, Bò sát - Lưỡng cư, Bướm. Ở Rừng đặc dụng Đăk Uy ghi nhận các động vật như cu li nhỏ, gà lôi, gấu chó.

Để bảo tồn “kho báu” đa dạng sinh học trên, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã  tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; Luật Đa dạng sinh học, các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn, phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật.    

Đặc biệt, đã dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2004; thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2005; không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích khác.

Đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân và cộng động nhằm bảo tồn và phục hồi giá trị đa dạng sinh học quý giá.

Theo dõi biến động tài nguyên rừng bằng công nghệ. Ảnh: H.L

 

Mặc dù vậy, bên cạnh các kết quả ấy, vẫn tồn tại nhiều thách thức, cần giải quyết trong công tác bảo vệ các “kho báu”.

Theo báo cáo đa dạng sinh học tỉnh thời kỳ 2021-2025 do Sở Tài nguyên và Môi trường lập, đang nổi lên một số vấn đề đe dọa đến các “kho báu” này. Bao gồm các tác động tiêu cực từ việc sinh cảnh bị phân mảnh do mở rộng canh tác nông nghiệp, đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy điện, thủy điện.

Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực đáng kể của các cơ quan thực thi pháp luật, các khu rừng đặc dụng vẫn phải đối mặt với tình trạng phá rừng trái phép để làm rẫy, trồng cây công nghiệp; khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ, lâm sản, săn bắt, mua bán, động vật rừng trái phép.

Trong khi đó, một số địa phương, chủ rừng còn buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát; một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm để kẻ xấu lợi dụng khai thác gỗ, lâm sản và xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Mặt khác một bộ phận nhân dân chưa nắm bắt và hiểu biết hết quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên đã xâm hại đến tài nguyên rừng.

Thực tiễn trên cho thấy, vẫn cần có những chủ trương, cơ chế chính sách đủ mạnh để bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng.

Trong đó, tiếp tục đầu tư phát triển ổn định và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng đặc dụng Đăk Uy. Tăng cường nghiên cứu, điều tra để xác lập hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 2030 – 2050.

Thực thi chính sách bảo tồn nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có; khoanh nuôi phục hồi, làm giàu, nâng cao chất lượng rừng. Duy trì phát triển nguồn gen các loại động, thực vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, loài đặc hữu. Chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất rừng; nghiêm cấm chuyển đổi đất lâm nghiệp sang các mục đích khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường năng lực tổ chức quản lý rừng của các chủ rừng; nhân rộng các mô hình cộng đồng quản lý rừng hiện có. Thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Và quan trọng nhất là huy động được sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ, bảo tồn những “kho báu” đa dạng sinh học.

Cho cuộc sống hôm nay và cho thế hệ tương lai! 

Hồng Lam

Chuyên mục khác