Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị Quyết 10-NQ/TW

25/06/2022 13:06

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 đã góp phần quan trọng để tỉnh Kon Tum giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Kinh tế phát triển mạnh mẽ

Trong giai đoạn 2002-2020, kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên, quy mô của nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 21 lần so với năm 2002, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 10 lần.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 15.076 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2002 (940 tỷ đồng) và tăng gần gấp 2 lần so với năm 2011 (7.840 tỷ đồng). Tính theo giá hiện hành, GRDP năm 2020 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng gấp 21,3 lần so với năm 2002 (1.127 tỷ đồng) và tăng gấp 2,33 lần so với năm 2011 (10.300 tỷ đồng).

GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 43,2 triệu đồng/người, gấp 13,4 lần so với năm 2002 (khoảng 3,22 triệu đồng/người). Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện khá, từ 2,86 triệu đồng/người/năm vào năm 2001 tăng lên 28,5 triệu đồng/người năm 2020, tăng khoảng 10 lần.

Thu, chi ngân sách có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2002-2020. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 18,7 lần.

Hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 6,1 triệu USD (năm 2002) lên 285 triệu USD (năm 2020), tăng gấp 47,6 lần; tổng cộng giai đoạn 2002-2020, toàn tỉnh có tổng kim ngạch xuất khẩu là 1.622,3 triệu USD, bình quân tăng 27,44%/năm.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân qua các giai đoạn có giảm, nhưng số thu ngân sách bình quân qua các giai đoạn tăng đáng kể, từ 226 tỷ đồng (giai đoạn 2002-2005) tăng lên 2.774 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020). Tổng chi ngân sách địa phương tăng từ 629 tỷ đồng (năm 2002) lên 7.843 tỷ đồng (năm 2020), mức tăng khoảng 12,5 lần, bình quân giai đoạn tăng 16,3%/năm.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm; năm 2020 đạt 16.499 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2002 (951 tỷ đồng) và gấp 2,7 lần so với năm 2011 (5.949 tỷ đồng).

Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh Kon Tum từ năm 2016 đến năm 2020 luôn đạt giá trị dương và đạt giá trị tương đối cao, nên đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực và rõ nét, Trong đó, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP giảm từ 44,8% (năm 2002) xuống còn 19,75% (năm 2020); ngành công nghiệp, xây dựng từ 18,9% tăng lên 26,83%; ngành dịch vụ từ 36,3% tăng lên 44,8%.

Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Ảnh: Hồng Lam

 

Nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Hồng Lam

 

Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao; một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển ổn định, trở thành mặt hàng nông sản quan trọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.

Đáng chú ý là nhóm ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh và tăng đều qua các năm; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 20,62%; quy mô tăng từ 409 tỷ đồng (năm 2002) lên 10.755 tỷ đồng (năm 2020), gấp khoảng 26,3 lần.

Ngành du lịch đã có những bước chuyển biến và phát triển. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện; số lượng du khách ngày càng tăng, bình quân trên 6%/năm trong giai đoạn 2011-202013; doanh thu du lịch bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 đạt trên 200 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hồng Lam

 

Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải của tỉnh cũng từng bước được mở rộng. Trên địa bàn tỉnh có 75 tuyến vận tải hành khách cố định (tăng 21 tuyến so với năm 2015) trong đó có 65 tuyến liên tỉnh, 5 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào. Giai đoạn 2016-2020 sản lượng vận tải tăng đều với mức 6,5%/năm.

Hoạt động tài chính, ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh. Tổng nguồn vốn huy động tăng gần 6 lần trong giai đoạn 2011-2020, từ 2.775 tỷ đồng lên 16.550 tỷ đồng; tổng dư nợ tăng khoảng 5,4 lần, từ 6.350 tỷ đồng lên 34.340 tỷ đồng; chất lượng tín dụng luôn duy trì ở mức tốt, trung bình hằng năm nợ xấu đều dưới mức 3%. Hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng theo năng lực về vốn và chất lượng quản trị hoạt động kinh doanh nhằm phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng.

Trên địa bàn tỉnh có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng, trong đó có 10 chi nhánh ngân hàng thương mại (với mạng lưới 18 chi nhánh, 28 phòng giao dịch), 01 chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội (gồm 09 phòng giao dịch và 102 điểm giao dịch tại 102/102 xã ) và 05 quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã trang bị, lắp đặt và vận hành 241 máy POS và 80 máy ATM. Hoạt động luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả và xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Có thể nói, qua 20 năm thực hiện Nghị Quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), kinh tế tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Từ đó tạo nền tảng để Đảng bộ, chính quyên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vươn lên.  

Trịnh Minh

Chuyên mục khác