Những điểm mới trong Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

15/04/2023 13:23

Kế thừa Bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành tháng 2/2023 đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển của Chương trình trong giai đoạn mới.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nhất định. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có gần 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và tổ hợp tác.

Tại tỉnh ta, Chương trình OCOP đã phát huy tốt vai trò là chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, quảng bá sản vật, văn hóa của địa phương và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 205 sản phẩm OCOP của 99 chủ thể, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 182 sản phẩm đạt 3 sao.

Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tạo nhiều thuận lợi để các địa phương khai thác, phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Đ.T

 

Để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 919, ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

So với Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có một số điểm mới. Cụ thể, trong danh mục phân loại sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bổ sung thêm bộ sản phẩm về sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh); các bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vải, may mặc được gộp thành bộ sản phẩm chung; trong bộ sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, loại bỏ nhóm trang thiết bị, dụng cụ y tế và bổ sung sản phẩm mới “tinh dầu” cho nhóm thảo dược khác.

Về tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP có sự điều chỉnh về thang điểm. Điểm tối đa của Phần A- Sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng được nâng từ 35 điểm lên 40 điểm. Điểm tối đa của Phần C- Chất lượng sản phẩm được giảm từ 40 điểm xuống 35 điểm. Ngoài ra, nội dung của các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn nhằm giúp các thành viên hội đồng OCOP các cấp đánh giá, chấm điểm một cách khách quan nhất về chất lượng, giá trị và quy mô của sản phẩm, như nguồn gốc sản phẩm, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, đóng gói và bao bì sản phẩm, đại diện pháp luật của chủ thể là nữ/đồng bào DTTS, trí tuệ/bản sắc địa phương, sở hữu trí tuệ.

Về trình tự, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm sẽ bắt đầu được đánh giá từ UBND cấp xã, thay vì bắt đầu được đánh giá từ UBND cấp huyện như trước đây. Đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao, sẽ do UBND cấp huyện công nhận và cấp Giấy chứng nhận, còn sản phẩm OCOP đạt 4 sao, sẽ do UBND cấp tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận (trước đây, UBND cấp tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao). Đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao vẫn sẽ do Trung ương đánh giá và công nhận.

Hoa, cây cảnh là những sản phẩm mới được bổ sung vào danh mục sản phẩm của Chương trình OCOP. Ảnh: ĐT

 

Đối với hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dành cho các chủ thể đã sửa đổi theo hướng giảm nội dung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và báo cáo tự đánh giá về sản phẩm.

Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn mới cũng bổ sung quy định về đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP và quy định về đánh giá, phân hạng lại sản phẩm sau khi Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 31/03/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 908 triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận OCOP cấp tỉnh, cấp Quốc gia giai đoạn 2018-2021; tiếp tục phát huy các sản phẩm mới, phấn đấu có ít nhất 250 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, có ít nhất 10 sản phẩm 5 sao.

Đến thời điểm hiện nay, 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đăng ký ý tưởng, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023, với 162 ý tưởng, sản phẩm, trong đó, có 4 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt hạng 3 sao và 4 sao tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm. Văn phòng điều phối nông thôn mới (Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh) đã triển khai tập huấn những điểm mới trong quy định Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đến lãnh đạo chính quyền, phòng chuyên môn các địa phương và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.      

Đức Thành

Chuyên mục khác