16/03/2023 17:57
Khi thành lập lại tỉnh (năm 1991), hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn nghèo nàn, lạc hậu. Đường đến với tỉnh Kon Tum chỉ có duy nhất Quốc lộ 14 đi qua tỉnh Gia Lai. Xác định giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong tỉnh và các huyện, thành phố tranh thủ tối đa các nguồn lực trong nước, nguồn lực nước ngoài, nguồn lực tại chỗ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông. Do đó, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp tạo nên mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh liên kết giữa tỉnh ta với các tỉnh thành khác, giữa các vùng miền với nhau. Điều đó đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao. Điều đáng mừng, các tuyến đường từ quốc lộ, đến đường huyện đã phát huy hiệu quả, đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh được như hôm nay.
|
Từ chỗ chỉ có vài trăm kilômét đường (chủ yếu là đường đất), đến nay, toàn tỉnh đã có 6.132 km đường giao thông, trong đó, có 6 quốc lộ gồm đường đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14C, 40, 24, 40B, đường Trường Sơn Đông. Mạng lưới tỉnh lộ có chiều dài 525 km và hệ thống đường liên thôn, đường đô thị hàng nghìn km. Mạng lưới giao thông được đầu tư, tạo đà cho sự phát triển chung về mọi mặt về kinh tế xã hội của tỉnh.
Phải nói rằng, bất cứ con đường nào được mở cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, nhưng phải khẳng định rằng, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24 là hai tuyến đường có vai trò to lớn đối với sự phát triển của tỉnh ta. Đây là 2 tuyến đường không chỉ phá thế “ngõ cụt” mà còn mở ra sự liên kết vùng miền nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh thành trong khu vực Tây Nguyên và miền Trung.
Nhớ lại trước đây, khi đường Hồ Chí Minh chưa được xây dựng, đường lên huyện vùng sâu Đăk Glei lởm chởm đất đá. Mỗi lần đi phải mất cả ngày đường mới tới được trung tâm huyện. Nhưng từ sau những năm 2000 khi đường Hồ Chí Minh được đầu tư mới và hoàn thành nâng cấp, mở rộng vào năm 2005 đã tạo thuận lợi cho tỉnh Kon Tum có bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt. Kinh tế của huyện Đăk Glei ngày càng phát triển, đời sống người dân đổi thay, hàng hóa sản xuất ra dễ dàng trong việc trao đổi, mua bán.
Là một trong những cán bộ gắn bó với huyện biên giới Đăk Glei từ nhỏ, ông A Lơn- nguyên Bí thư Huyện ủy không khỏi vui mừng khi chứng kiến huyện Đăk Glei có nhiều đổi thay kể từ khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng nối thông Đăk Glei với tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng. Ông chia sẻ: Trước đây khi chưa có đường thì chủ yếu là đi bộ. Việc đi lại rất vất vả, từ huyện xuống tỉnh phải mất đến 2 ngày đi đường, hàng hóa người dân sản xuất ra tư thương mua ép giá nên đời sống thời kỳ đó rất vất vả. Nhưng từ khi có đường Hồ Chí Minh, việc đi lại rất thuận lợi, xe cộ lưu thông hàng ngày, hàng hóa người dân sản xuất ra không bị tư thương ép giá nên đời sống người dân được nâng lên. Huyện Đăk Glei có sự phát triển như hôm nay ngoài sự nỗ lực của người dân thì hệ thống giao thông, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng, đã khơi thông vận tải, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
|
Không chỉ đối với Đăk Glei, tuyến đường Hồ Chí Minh nối thông đi qua 4 huyện, thành phố của tỉnh ta là Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Từ khi tuyến đường được mở, đưa vào sử dụng đã tạo sự liên kết giữa các tỉnh thành, hàng hóa lưu thông thuận lợi nên tạo sức bật mạnh mẽ cho những địa phương có tuyến đường đi qua.
Tương tự, Quốc lộ 24 dài gần 100 km đi các 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông nối với tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung từ khi được xây dựng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân mà còn mở hướng phát triển nhanh cho các địa phương. Đặc biệt, năm 2022, khi tuyến đường này được mở rộng nâng cấp, đẹp hơn đã mở ra “cánh cửa” cho huyện Kon Plông và Kon Rẫy.
Chia sẻ điều này, ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Những năm trước đây, khi Quốc lộ 24 chưa được sửa chữa, mở rộng lượng khách du lịch đến với Măng Đen không nhiều bởi giao thông đi lại khó khăn. Nhưng kể từ khi Quốc lộ 24 được nâng cấp mở rộng, lượng khách du lịch đến với Măng Đen tăng mạnh. Những dịp vào mùa lễ hội, ngày nghỉ, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn được khách du lịch đặt kín chỗ. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nó còn góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.
“Phải nói rằng, từ khi Quốc lộ 24 được mở rộng đã góp phần to lớn cho sự phát triển huyện. Giao thông đi lại thuận tiện khiến người dân rất phấn khởi. Nhiều hộ dân có nhà mặt đường đã sửa sang hàng quán để buôn bán, kỳ vọng con đường sẽ giúp đời sống người dân ngày một khởi sắc hơn”- ông Thắng chia sẻ.
Những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã trên địa bàn được đầu tư, mở rộng đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực. Đây chính là điểm tựa để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận, mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn.
Hà Nam