20/02/2018 07:42
Theo ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thể hiện rõ ở sự chuyển biến là các loại cây trồng chủ lực, vật nuôi có giá trị kinh tế cao tiếp tục được đầu tư phát triển và đang chiếm ưu thế. Trong sản xuất, việc thực hiện các đề án, dự án; việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái đang tiếp tục tạo ra động lực mới cho nông nghiệp.
Xin nêu một vài con số, năm 2017 diện tích cây trồng có lợi thế so sánh được mở rộng sản xuất như: trồng mới 1.533ha cà phê, nâng tổng diện tích lên 17.952ha; trồng mới 27ha cao su, nâng diện tích lên 74.906ha; sâm Ngọc Linh 325,86 ha; rau, hoa, quả xứ lạnh 80 ha...
Đối với cây lương thực, cây bắp đông xuân 1.069ha, tăng 143ha so với cùng kỳ; lúa đông xuân 7.056ha, giảm 351ha tại các diện tích thường xuyên bị thiếu nước tưới để chuyển sang cây trồng cạn (bắp, mì, rau đậu) có giá trị kinh tế hơn và cũng là để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điều đáng mừng là năng suất cây lương thực có hạt và cây công nghiệp như cà phê tăng hơn năm trước.
Trong chăn nuôi, so với cùng kỳ, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh 228.216 con (tăng 1%), sản lượng thuỷ sản tăng 7%. Diện tích đàn bò tăng một phần là nhờ tỉnh đang triển khai thực hiện Phương án nâng cao chất lượng đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bước đầu sinh nhiều bê con.
|
Dịch hại trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Trong năm 2017, mặc dù xảy ra một số ổ dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, nhưng được phát hiện và xử lý kịp thời, không phát sinh ra diện rộng.
Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có những chuyển biến tích cực. Sau khi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các ngành tham mưu UBND tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô 175ha và hiện đang tiếp tục xúc tiến thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Kon Tum với quy mô khoảng 210ha...
Ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao (tổng vốn đầu tư khoảng 5.100 tỷ đồng) đã liên kết với nhân dân trồng bắp sinh khối, nuôi hơn 9.000 con dê sữa và cung cấp sữa ra thị trường; Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp VinEco Kon Tum của Tập đoàn VinGroup (vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng) đang bắt đầu triển khai thực hiện với quy mô 500 ha; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp xanh Măng Đen chuyên trồng cà chua bi trong nhà kính theo công nghệ Nhật Bản với hệ thống tưới nước - phân bón nhỏ giọt bằng bộ cảm biến thông minh của của Israel; cùng các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bước vào giai đoạn sản xuất, cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường.
Việc thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về quy hoạch chi tiết lại đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, kiên cố hoá kênh mương nội đồng; tham mưu UBND tỉnh về mức hỗ trợ thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo ra chuyển biến tích cực đối với sản xuất nông nghiệp.
Điều đó có thể thấy, ở Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, việc trồng mới cao su kết thúc, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn nhân dân chăm sóc trên 2.000ha cao su đã trồng. Cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt.
Ở Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, đến nay, toàn tỉnh phát triển được 1.030,112ha cà phê chè. Ở diện tích cà phê chè trồng năm 2014 đi vào kinh doanh, năng suất cà phê bình quân đạt từ 15-20 tấn/ha. Cây cà phê chè đã và đang tích cực góp phần giảm nghèo cho vùng Đông Trường Sơn.
Ở Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân, năm 2017 chuyển đổi được 581,69ha đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác, trong đó thí điểm chuyển đổi trồng 390ha mì. Cây mì người dân trồng ở huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum... đạt năng suất khá cao, lợi nhuận thu được cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 -2020; thành lập các chốt, trạm liên ngành; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, kể cả các dự án đã có chủ trương đầu tư; rà soát, kiểm tra và đình chỉ hoạt động, buộc tháo dỡ thiết bị đối với các xưởng chế biến lâm sản có vi phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định.
Với việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, nhiều điểm nóng vi phạm lâm luật được dập tắt. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh ta không để xảy ra cháy gây thiệt hại rừng.
Công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi luôn bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các công trình cấp nước sạch nông thôn do các đơn vị trực thuộc quản lý, khai thác hiệu quả, bảo đảm nước phục vụ nhu cầu của người dân.
|
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thông qua việc huy động các nguồn lực, phát huy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở các địa phương tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 13 xã đạt nông thôn mới; bình quân đạt 10,28 tiêu chí/xã. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đời sống người dân nông thôn tiếp tục nâng lên một bước.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng nông nghiệp phát triển bền vững, từng bước tiến của ngành phải hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hoá có năng suất chất lượng và sức cạnh tranh cao. Trong đó, ngành xác định phát triển gắn với chế biến và tiêu thụ các loại cây trồng như cây cà phê, cao su, rau hoa xứ lạnh, cây dược liệu, chăn nuôi đàn trâu bò, dê và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh.
Đào Nguyên