Nhọc nhằn nghề giữ rừng - Kì 1: Hàng trăm người xin nghỉ việc

09/04/2024 06:09

Lương thấp, áp lực, nguy hiểm và trách nhiệm cao… đang là những nguyên nhân khiến nhiều lao động trẻ tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ta bỏ việc. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Để giữ chân người giữ rừng, cần có những chính sách phù hợp để họ yên tâm gắn bó với rừng.

Trước đây, nghề giữ rừng từng là một trong những nghề “hot” thu hút được lượng lao động vào làm khá nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề giữ rừng không giữ được sức nóng như ngày trước, bởi lương thấp, vất vả mà lại còn luôn đối mặt với hiểm nguy. Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến nhiều người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2018 đến tháng 3/2024, toàn tỉnh đã có 403 người  làm công tác bảo vệ rừng xin nghỉ việc (kiểm lâm có 6 người; các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 222 người; các công ty lâm nghiệp 175 người). Điều đáng buồn là không chỉ có tình trạng người trẻ xin nghỉ việc mà cả những người có nhiều năm gắn bó với rừng cũng từ bỏ nghề mà mình đã gắn bó bấy lâu nay.

Tìm hiểu nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, được nhận thấy cốt lõi là bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương quá thấp.

Nhọc nhằn tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.N

 

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trong công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay rất nhiều khó khăn, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, công tác đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có rất nhiều đối tượng manh động. Trong  khi đó, anh em làm việc 24/24 giờ/ngày, lương thấp, chế độ đãi ngộ cũng rất thấp, chưa đáp ứng được, chưa tương xứng với công sức và tâm huyết quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn chịu tác động rất lớn của các yếu tố ngoại cảnh (thời tiết, khí hậu, tình hình kinh tế xã hội); tính chất công việc bảo vệ rừng đòi hỏi phải tuần tra theo dõi, giám sát lâm phần phải thường xuyên, liên tục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Quá trình tuần tra nhân viên bảo vệ rừng đối mặt với rủi ro tai nạn (sạt lở, cây gãy đổ …) và đặc biệt là sự chống trả từ phía các đối tượng vi phạm, phá rừng. Trong khi đó, công việc bảo vệ rừng chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại và chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Cùng với đó, chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp hiện ở mức thấp, không đảm bảo được cuộc sống và chưa tương xứng với trách nhiệm và tính chất công việc thực tế của lực lượng bảo vệ rừng nên chưa thu hút được lao động an tâm công tác. Do đó, nhiều người lao động đã xin nghỉ việc, hoặc xin chuyển công tác khác.

Tìm hiểu thực tế tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, hiện đang được giao quản lý hơn 56.000 ha rừng đặc dụng nhưng chỉ có 96 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Lương bình quân của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ từ 3,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này quá thấp đối với nhu cầu cuộc sống hiện nay. Vì thế, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã có 32 người (viên chức 5 người; hợp đồng lao động 27 người) xin nghỉ việc.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng. Ảnh: HN

 

Theo ông Đào Xuân Thủy- Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, nguyên nhân cán bộ bảo vệ rừng nghỉ việc là do áp lực công việc, mức lương thấp, không đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ- CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng, quy định định mức bình quân mỗi biên chế bảo vệ rừng phải quản lý đến 500ha. Đây là con số quá lớn, một người khó có thể quản lý hết được. Ngoài ra, các chế độ, chính sách còn hạn chế, bất cập, ngoài hưởng lương theo quy định thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không có các phụ cấp liên quan khác. Trong khi đó, công tác quản lý bảo vệ rừng là công việc gian nan vất vả, thường xuyên, liên tục, không kể ngày đêm (kể cả các ngày nghỉ và ngày lễ lớn). Đa số lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị phải bám rừng 24/24 giờ trong những mùa cao điểm để thực hiện nhiệm vụ.

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, dù được giao quản lý hơn 23.400ha, trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Ngọc Hồi và giáp với biên giới hai nước bạn Lào và Campuchia, nhưng hiện đơn vị chỉ có 46 cán bộ nhân viên và người lao động quản lý bảo vệ rừng; trong đó, chỉ có 36 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Diện tích nhiều, địa bàn rộng, áp lực công việc nên từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã có 4 người lao động làm công tác giữ rừng xin nghỉ việc, xin chuyển công tác.

Anh Lê Văn Thế- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi cho biết, bản thân anh đã công tác trong ngành 15 năm nay, nhưng hiện tại, mức lương và các khoản phụ cấp khác còn quá thấp, không xứng đáng với công sức và sự cống hiến của bản thân. Trước đây, cũng có lúc anh đã suy nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác, nhưng vì cuộc sống, vì gia đình và vì tinh yêu với nghề nên vẫn bám trụ gắn bó với rừng. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn Nhà nước cần có chính sách phù hợp để nâng cao đời sống cho người trực tiếp bảo vệ rừng.

Ông Trần Ngọc Thanh Vũ- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi xót xa: “Mỗi khi nhận đơn của anh em, tôi luôn gặp riêng để lắng nghe tâm sự. Áp lực công việc nghề nào cũng có nhưng đồng lương phải đáp ứng được tối thiểu nhu cầu cuộc sống. Bởi phía sau họ còn cả trách nhiệm với gia đình. Có anh em nói rằng họ còn tình yêu nghề nhưng buộc phải lựa chọn để gìn giữ gia đình. Cầm lá đơn xin nghỉ việc của cán bộ của mình mà tôi thấy buồn vô cùng. Tôi biết họ cũng chẳng muốn, nhưng vì cuộc sống, họ phải đành lòng từ bỏ nghề mình đã gắn bó lâu nay".

Hà Nam (còn nữa)

Chuyên mục khác