Nhìn lại việc thực hiện Luật Khoáng sản 2010 trên địa bàn tỉnh

24/06/2023 13:10

Thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản 216 khu vực; trong đó, 23 khu vực đã có kết quả thăm dò, 193 khu vực chưa thăm dò. Qua đó, đã tổ chức đấu giá thành công 113 khu vực; đấu giá không thành 95 khu vực; đang tổ chức đấu giá 8 khu vực khoáng sản theo Kế hoạch năm 2023. 

UBND tỉnh ban hành 47 Quyết định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 37 Giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 48,462 tỷ đồng; trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT phê duyệt 3,302 tỷ đồng, tiền cấp quyền do UBND tỉnh phê duyệt 45,160 tỷ đồng. Năm 2022, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được 39,569 tỷ đồng; số tiền còn nợ  349 triệu đồng; số tiền còn lại 5,794 tỷ đồng sẽ thu vào các năm tiếp theo. 

Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành xác định số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá là 30,165 tỷ đồng/65 khu vực. Đến tháng 6/2023, tổng số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã thu được 30,165 tỷ đồng. 

Mỏ khai thác đá ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông phục vụ cho việc làm đường. Ảnh: Q.Đ

 

Từ năm 2011 đến tháng 6/2023, UBND tỉnh đã cấp 95 Giấy phép thăm dò khoáng sản; cấp 93 Giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt 4 Đề án đóng cửa mỏ khoáng.  Bộ TN&MT cấp 1 Giấy phép khai thác vàng gốc với diện tích 17,55 ha. Đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 76 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực khai thác; trong đó, thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT 1 Giấy phép, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh 75 Giấy phép; 18 Giấy phép hết hiệu lực khai thác. 

Qua thực tế triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, có thể khẳng định, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; đồng thời xóa bỏ cơ chế xin cho, hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý, phát huy được tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được Chính phủ, Bộ TN&MT sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là quy định của pháp luật về khoáng sản cát, sỏi lòng sông vẫn chưa phù hợp điều kiện thực tế của địa phương như khoáng sản cát tập trung chủ yếu ở các sông nhánh, suối ngắn có độ dốc cao; khai thác cát phụ thuộc nhiều vào khí hậu (mưa nhiều cát về nhiều) nhưng chưa có quy định để khai thác đối với phần khối lượng cát sỏi bồi lắng.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy điện, thủy lợi đang vận hành có lượng lớn cát, sỏi lắng trong lòng hồ, giảm dung tích hồ chứa; lượng cát, sỏi này có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng nhưng hiện nay quy định pháp luật chưa có hướng xử lý cụ thể đối với sản phẩm sau nạo vét (đấu giá/xác nhận thu hồi), gây khó khăn cho công tác bảo trì công trình thủy điện, thủy lợi. Hoặc như trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về đầu tư, bị thu hồi hoặc chấm dứt dự án đầu tư thì hướng xử lý Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp như thế nào, có thuộc đối tượng thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hay không?

Việc san gạt cải tạo mặt bằng của các công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đất dôi dư của công trình không sử dụng nhưng không được phép vận chuyển ra ngoài khu vực san gạt và sử dụng cho công trình khác. Hoặc việc sử dụng đá sau nổ mìn thu gom không sử dụng cho công trình, hay sử dụng không hết, tập kết tại bãi thải. nhưng không được phép vận chuyển ra ngoài khu vực khai thác. Hay như việc san gạt đối với diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân dôi dư không sử dụng nhưng không được phép vận chuyển ra ngoài khu vực hoặc sử dụng cho mục đích khác… là những khó khăn, vướng mắc cần được Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới để Luật Khoáng sản mang lại hiệu quả cao, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.         

Quang Định

Chuyên mục khác