Nhìn lại thị trường Tết: ​Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp

12/03/2018 07:00

​Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối sôi động; hoạt động xuất nhập khẩu cũng khá nhộn nhịp. Kéo theo đó là tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại trở nên phức tạp khiến ngành chức năng phải đau đầu, người tiêu dùng ngao ngán.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, vấn đề nổi lên trước hết là tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép trong đợt trước và trong tết. Tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), lượng người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển qua biên giới rất nhộn nhịp; kéo theo việc buôn lậu hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp. Đặc biệt là tình trạng buôn bán pháo lậu; chỉ trong khoảng 1 tháng trước tết, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 350kg pháo các loại.

Ở trong nội địa, tình trạng vận chuyển gỗ trái phép, hàng mỹ phẩm, thuốc lá, rượu, hàng may mặc, da giày không có hoá đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng diễn ra khá nhiều. Chỉ tính riêng đợt trước, trong và sau tết, các lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 167,6m3 gỗ quy tròn các loại; gần 400 bao thuốc lá, 90 lít rượu gạo...

Lực lượng kiểm tra liên ngành 389 kiểm tra hàng hoá tại chợ Trung tâm thương mại. Ảnh: T.H

 

Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng để buôn bán hàng nhập lậu, vận chuyển hàng trái phép là lợi dụng phương tiện vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc 24 đoạn qua tỉnh và các tuyến tỉnh lộ vận chuyển hàng đến các bến, bãi tập kết, sau đó phân lẻ, dùng xe gắn máy, xe tải nhẹ vận chuyển, phân phối, tiêu thụ tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá trên địa bàn tỉnh cũng là vấn đề tương đối nổi cộm trong đợt tết vừa qua. Nhất là tình trạng tiểu thương, cơ sở bán lẻ không thực hiện niêm yết giá hàng hóa hoặc niêm yết giá không đúng quy định; vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa; sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, việc kinh doanh hàng hóa không có nhãn mác hoặc có nhãn mác, lô gô giống với sản phẩm chính hãng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các cơ sở làm ăn chân chính cũng diễn ra khá phức tạp.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa để đưa các loại hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng đến tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sức khỏe của người dân.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu tuất 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 418 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại với 409 đối tượng vi phạm. Trong đó, có 78 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 340 vụ gian lận thương mại. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính với số tiền là 1,168 tỷ đồng; thu phạt bổ sung và truy thu tiền thu lợi bất hợp pháp là 1,591 tỷ đồng.

          Có lẽ chưa năm nào, số lượng các vụ vi phạm, số tiền xử phạt, truy thu lại cao như đợt tết này.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, công tác đấu tranh với nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc mặc dù đã được các lực lượng chức năng tăng cường nhưng kết quả đạt được chưa cao. Tình trạng mua bán, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu như thuốc lá ngoại, pháo hoa, pháo nổ vẫn xảy ra nhiều.

Nguyên nhân là do nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng vẫn còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa có sự đồng hành, phối hợp ở lĩnh vực bảo vệ thương hiệu và chống hàng giả; đa số các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng về việc hàng hóa bị làm giả...

Ngoài ra, ở vùng sâu, vùng xa, người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin về nhận biết hàng thật, hàng giả; vẫn còn tâm lý thích hàng giá rẻ nên đã tạo điều kiện để các đối tượng làm ăn bất chính đưa hàng hoá kém chất lượng, hàng giả về tiêu thụ. Công tác đấu tranh, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của quần chúng nhân dân cũng chưa thật sự mạnh mẽ...

Trong dịp tết nguyên đán vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, thu giữ nhiều hàng hoá vi phạm. Ảnh: T.H

 

Sau tết là thời điểm mà nhiều đối tượng kinh doanh cố gắng tìm cách đẩy nốt các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm, hàng tồn kho ra thị trường. Chính vì vậy, việc tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý thị trường của các ngành chức năng sẽ góp phần quan trọng làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

                   Thiên Hương

Chuyên mục khác