Nhiều dự án dậm chân tại chỗ vì vướng mặt bằng và đất rừng

04/08/2023 13:02

Hiện nay, nhiều dự án đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn vì vướng mặt bằng và đất rừng. Thực tế này đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Đơn cử như tại Dự án đường Đăk Pne (huyện Kon Rẫy,) đi xã Đăk Rong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư, có chiều dài 8km, với tổng mức đầu tư là 150 tỷ đồng và thời gian thi công từ năm 2021-2024. Dự án này có vai trò quan trọng với các huyện vì từ trước đến nay, chưa có con đường nào thông qua 2 địa phương này. Người dân muốn qua lại phải đi vòng đường Trường Sơn Đông hoặc Quốc lộ 19 với chiều dài từ 120km đến 200km. Dự án hoàn thành sẽ nối thông 2 địa phương, giúp dễ dàng giao lưu văn hóa, buôn bán nông sản. Đến nay, dự án đang triển khai thi công hơn 2km đầu, hơn 5,5km còn lại thì nằm “bất động” do vướng đất rừng. Hiện ngành chức năng của huyện, tỉnh  đang phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm làm thủ tục xin chuyển đổi diện tích đất rừng.

Đường tránh Tây thành phố cũng bị ảnh hưởng về mặt bằng khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Ảnh: P.N

 

Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đang gặp khó chưa thể triển khai thi công do vướng mắc về rừng, hệ thống điện. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, chiều dài hơn 56km, có vị trí xây dựng điểm đầu giao với Quốc lộ 24 tại Km114, đi qua thị trấn Măng Đen và các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên của huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum và kết nối với tuyến đuờng liên huyện Sơn Tây - Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi tại cầu Tà Meo (điểm cuối dự án).

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh, đến nay, đơn vị đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng triển khai các gói thầu xây lắp, giám sát, bảo hiểm công trình theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa hoàn thành nên chưa thể triển khai các đoạn vướng đất rừng.

Ngoài ra, trong phạm vi giải phóng mặt bằng trên dọc chiều dài tuyến có ảnh huởng đến hệ thống luới điện trung thế 22kV, các trạm biến áp, đường dây hạ áp (0,4KV) cung cấp điện sinh hoạt cho 4 xã Măng Cành, Ðăk Tăng, Ðăk Ring, Ðăk Nên là tài sản Nhà nước đang giao cho Công ty Ðiện lực Kon Tum, Ðiện lực Kon Plông quản lý, cần phải di dời. Tuy nhiên, việc di dời hệ thống lưới điện này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, nên các đơn vị chức năng đang phối hợp với các ngành liên quan để bàn cách tháo gỡ. Hiện tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh đang phối hợp với địa phương bàn giao trước mặt bằng để triển khai thi công các phạm vi không ảnh hưởng đến đất rừng.

Vướng đất rừng khiến nhiều công trình chưa thể triển khai thi công. Ảnh: PN

 

Ngoài dự án nói trên, trên địa bàn còn có nhiều công trình, dự án quan trọng khác do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư cũng đang gặp khó vì liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng như Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, Dự án đường Trường Chinh, Dự án đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum.

Cụ thể, Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum dài 19,84km, tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng đang gặp khó khăn vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Hiện ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Hay Dự án đường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) cũng đang vướng mặt bằng nên một số đoạn chưa thể triển khai thi công và ảnh hưởng đến tiến độ công trình. “Thời gian tới, đơn vị sẽ đề nghị UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố sớm tham mưu lập phương án bồi thường đối với các trường hợp đủ điều kiện để chi trả cho các hộ; phối hợp với UBND phường Quang Trung và Trường Chinh (thành phố Kon Tum) vận động các hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng thi công”- đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết.

Hoặc Dự án đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum, hiện cũng đang vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án dẫn đến trong quá trình thực hiện phải gia hạn nhiều lần. Hiện nay, dự án đã được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn thực hiện trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 29/4/2022 và UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án điều chỉnh tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 08/12/2022.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, ngoài việc cần sự vào cuộc và có trách nhiệm của các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc thì khi có mặt bằng, các nhà thầu cũng cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.       

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác