Nhiều địa phương kêu khó vì thiếu mỏ đất được cấp phép

28/03/2024 06:27

Hiện nay, các công trình, dự án đang triển khai thi công có nhu cầu về đất làm vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn, tuy nhiên, các điểm mỏ quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để làm vật liệu san lấp chưa có kế hoạch đấu giá quyền khai thác theo quy định. Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý về khai thác, sử dụng đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 mỏ đất san lấp đã đấu giá xong. Trong đó, có 2 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác đất san lấp, trữ lượng 2.841.056m3 (của Công ty TNHH Tuấn Dũng tại thôn Kon Gur, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum và Công ty TNHH ĐT XD & TM Tiến Dung Kon Tum tại thôn Đăk Puih, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy); còn 6 mỏ khác đã cấp giấy phép thăm dò (trong đó, 5 điểm mỏ đã phê duyệt trữ lượng và 1 điểm mỏ đã thăm dò nhưng chưa phê duyệt trữ lượng; 3 điểm mỏ phê duyệt trữ lượng đang lập hồ sơ cấp phép khai thác). Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thành phố có 10 mỏ khoáng sản đi kèm đất san lấp được cấp phép; trong đó, dự kiến sẽ cung ứng khối lượng đất san lấp là 3.310.072m3.

Thiếu mỏ đất được cấp phép tại các huyện gây ảnh hưởng đến thi công các công trình, dự án. Ảnh: H.N

 

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương, hiện hầu hết các huyện đều có quy hoạch mỏ đất san lấp nhưng đến nay, các mỏ này vẫn chưa được cấp giấy phép khai thác. Một trong những khó khăn nhất hiện nay là thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản phải thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Do đó, các điểm mỏ được quy hoạch làm vật liệu san lấp chưa đủ điều kiện để khai thác.

Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Hồi, vì thủ tục cấp phép mỏ đất mất nhiều thời gian, do đó, nhiều điểm mỏ đất trên địa bàn vẫn chưa được cấp phép khai thác. “Khi tổ chức lập dự án, tư vấn đã nghiên cứu, khảo sát các mỏ đất nằm trong quy hoạch đủ điều kiện sử dụng và tính toán các chi phí liên quan như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; tuy nhiên, trữ lượng tại các điểm khai thác không đáp ứng đủ khối lượng đất đắp theo nhu cầu của dự án. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng chưa có quy hoạch những điểm đổ thải, do đó, khó khăn trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng”- đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Hồi nói.

Tại huyện Tu Mơ Rông, hiện cũng đã quy hoạch các mỏ đất nhưng vẫn chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác. Trong khi đó, nhu cầu về sử dụng đất đắp cũng khá nhiều tại các dự án xây dựng, vì vậy, ảnh hưởng tới quá trình triển khai dự án. Việc chưa được cấp phép mỏ đất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công, dẫn đến chậm đưa công trình vào sử dụng và ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư, vượt thời gian bố trí vốn.

Nhu cầu sử dụng đất đắp trên địa bàn Ngọc Hồi cũng khá nhiều. Ảnh: HN

 

Để giải quyết thực trạng trên, huyện Tu Mơ Rông cũng đã có văn bản đề xuất lên tỉnh bổ sung quy hoạch mỏ đất và tổ chức đấu giá mỏ đất đã quy hoạch trên địa bàn huyện để khắc phục những khó khăn trong triển khai dự án đối với những công trình có đất đắp cũng như giải ngân vốn đầu tư của dự án.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tu Mơ Rông cũng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện có tờ trình gửi tỉnh xin tận dụng số đất còn lại tại mỏ vật liệu đất đắp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã bàn giao cho UBND huyện để sử dụng, khai thác, tạo mỹ quan khu vực trung tâm huyện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa mang tính ổn định lâu dài.

Cũng nằm trong tình trạng tương tự như các địa phương khác, huyện Đăk Tô cũng chưa có mỏ đất nào được cấp phép khai thác mặc dù trên địa bàn có nhiểu điểm mỏ đã có trong quy hoạch. Theo ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện, mặc dù nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp cho các công trình trên địa bàn không nhiều nhưng cũng rất cần. Việc không có mỏ đất được cấp phép khai thác cũng gây nhiều khó khăn trong triển khai các dự án và đặc biệt là nhu cầu đất đắp của  người dân trên địa bàn. Mới đây, cũng vì nhu cầu người dân cần vật liệu đất san lấp nên có một trường hợp đã múc, khai thác và đã bị huyện xử phạt tiền.

Trước những khó khăn đó, hầu hết các địa phương đều có chung kiến nghị, tỉnh cần khẩn trương đưa các mỏ đất đã được quy hoạch vào đấu giá và lập thủ tục cấp phép để phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều mỏ đá mặc dù được UBND tỉnh cho chủ trương khai thác đất bốc tầng phủ làm vật liệu đất san lấp nhưng tiêu thụ rất chậm, bán ít ai mua. Trong khi đó, các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ đất lại không phải là đơn vị trúng đấu giá các gói thầu xây dựng cần khối lượng đất san lấp lớn, nên chưa quyết liệt và chậm phối hợp với đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đầy đủ hồ sơ cấp giấy phép theo quy định dẫn đến chậm cấp phép.

Ngoài ra, các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan thẩm định dự án, trong quá trình lập và thẩm định dự án đầu tư không tính toán đến nguồn cung, địa chỉ, giá cả vật liệu đất san lấp cho dự án, nên quá trình thi công nhà thầu không tìm được nguồn cung ứng phù hợp để phục vụ cho công trình. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các chủ đầu tư, các sở, ban ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập hồ sơ thiết kế và thẩm định dự án đầu tư cần phải tính toán chỉ ra được nguồn cung cấp đất san lấp cho dự án.

Hà Nam

Chuyên mục khác