Nhân đồng tiền bằng con gà

07/01/2015 08:22

Cái khó nhất của việc nuôi gà, ngan ở quy mô lớn đòi hỏi người chăn nuôi không chỉ chịu khó mà còn phải biết nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh. Nếu không có kiến thức khoa học, không có kinh nghiệm thì việc phát triển chăn nuôi gà, ngan rất khó khăn, dễ bị dịch, chậm lớn...

Tuổi xuân gắn bó với vùng Bắc Tây Nguyên, với chiến trận, về hưu bao năm nay, nhưng dân làng thôn 7, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) vẫn luôn tín nhiệm ông Phạm Công Lực làm thôn trưởng. Dân tin và với trách nhiệm của người đảng viên, ông lại lo việc làng, việc xã. Bản chất nông dân, ông không thích ngồi yên. Để làm một cái gì đó vừa sức mình và để giúp người dân có thể học tập, năm 2012, ông vay của Quỹ phát triển xã 4 triệu đồng làm chuồng trại và mua gà, ngan giống về nuôi.

Trong việc phát triển chăn nuôi gà, vịt theo hướng hàng hóa, công nghiệp, tính cần cù, chịu khó thì ông có thừa. Tuy nhiên, ông cho biết: Cái khó nhất của việc nuôi gà, ngan ở quy mô lớn đòi hỏi người chăn nuôi không chỉ chịu khó mà còn phải biết nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh. Nếu không có kiến thức khoa học, không có kinh nghiệm thì việc phát triển chăn nuôi gà, ngan rất khó khăn, dễ bị dịch, chậm lớn, bà con sẽ cười cho. Vì vậy, trước khi mua gà, ngan về nuôi, tôi nhờ chủ bán gà, ngan tư vấn kinh nghiệm và xin tài liệu kỹ thuật chăn nuôi về nghiên cứu.

Làm theo tài liệu và kinh nghiệm nắm bắt được, 200 con gà, 80 con ngan Pháp ông nuôi lứa đầu không bị bệnh tật và lớn nhanh. Sau 3 tháng nuôi, ông xuất chuồng, lãi 26 triệu đồng. Xuất xong, ông lại vệ sinh chuồng trại, nuôi tiếp lứa thứ hai, thứ ba, thứ tư… cho đến nay.

Ngăn nuôi ngan Pháp của ông Lực. Ảnh: V.N

 

Chuồng trại chăn nuôi gà, ngan của ông chỉ mấy chục mét vuông sau nhà và được thiết kế khá đơn giản. Trong chuồng ông chia ra nhiều ngăn, bên nuôi gà, bên nuôi ngan Pháp, bên nuôi vịt Xiêm. Hỏi từ năm 2012 đến nay, gà, ngan có bị dịch chết lần nào chưa, ông bảo chưa.

“Lúc mới đưa gà về nuôi, khi gà có hiện tượng đau yếu, tôi điện hỏi thêm chủ trại bán gà về bệnh, về thuốc trị bệnh cho gà hay khi nào tiêm phòng cúm H5N1 cho gà. Trị bệnh cho gà, tôi còn nhờ thú y xã thường xuyên cấp thuốc sát trùng. Cứ 7 ngày phun thuốc sát trùng 2 lần. Mỗi năm tôi nuôi 4 lứa gà, ngan và chưa có lứa nào bị dịch chết. Mỗi lứa lãi 25-26 triệu đồng” - ông Lực chia sẻ.

Từ 4 triệu đồng vay ban đầu, tính ra bình quân mỗi năm ông lãi trên 110 triệu đồng từ con gà, ngan.

Gà, ngan của ông nuôi lớn nhanh, có thịt chắc và ngon. Bởi khi gà, ngan còn nhỏ ông cho ăn bằng cám công nghiệp, khi gà lớn gần 1kg/con ông cho ăn bằng những sản phẩm của địa phương và do ông tự chế như cây chuối bằm nhỏ trộn với cám gạo, bột bắp và gạo lức. Nuôi nhiều gà nhưng ông chưa bao giờ phải mang gà ra chợ bán, mà chủ yếu bán cho người dân ở địa phương tiêu thụ. Gà ông nuôi thịt ngon có tiếng ở địa phương, ai cũng thích mua là vậy.

Tính ông rất chân thật và dễ mến. Anh Hà Đức Giao- Phó giám đốc Dự án FLITCH kể một chuyện vui: Một lần một người Tây của Dự án FITCH đến nhà ông Phạm Công Lực kiểm tra nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ cho Quỹ phát triển xã Đăk Ui để xem nông dân sử dụng vốn có hiệu quả hay không, ông bắt gà tặng người Tây này. Người Tây cảm ơn, cười sảng khoái và tất nhiên không thể nhận gà…

Từ đồng tiền ít ỏi ban đầu, ông đã cho đồng tiền sinh sôi, nảy nở.  Thế mới thấy không nhất thiết cần phải nhiều vốn mới có thể làm giàu. Ít vốn nhưng nông dân vẫn có thể làm giàu bằng những con vật nuôi truyền thống nếu nắm vững kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hàng hóa, công nghiệp.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác