07/11/2023 06:05
Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 560 dịch vụ sản phẩm của 264 tổ chức, cá nhân được cập nhật, giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử
của tỉnh-https://kontumtrade.gov.vn; 111 sản phẩm được cập nhật trên sàn thương mại của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam https://postmart.vn. Với việc cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, quy trình sản xuất, công dụng sản phẩm, giá cả từng mặt hàng, thông tin doanh nghiệp… trên các trang web này đã giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu, nhận biết sản phẩm, từ đó an tâm lựa chọn sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp, HTX còn chủ động xây dựng website của đơn vị mình để người tiêu dùng có thể truy cập, tạo thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi mua bán và tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh còn tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử như lazada, shopee, postmar, voso, sendo…
|
Chẳng hạn như Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tây Nguyên Xanh (thành phố Kon Tum) hiện có 3 sản phẩm cà phê bột và cà phê nhân rang xay đạt chuẩn OCOP. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc sử dụng công nghệ số trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, cùng với việc khai thác các kênh bán lẻ truyền thống, đơn vị tiến hành xây dựng website riêng, phát triển gian hàng trên shopee.
Đặc biệt, tại gian hàng trên shopee, không chỉ có các sản phẩm của doanh nghiệp mà còn tích hợp sản phẩm đặc trưng, OCOP của các cơ sở sản xuất trong tỉnh mang tên “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP”. Trong gian hàng này, các sản phẩm được đăng tải, sắp xếp theo từng nhóm như cà phê, đồ uống, đông trùng hạ thảo… tất cả những thông tin về sản phẩm, cam kết về mặt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, phương thức liên hệ được cập nhật đầy đủ. Qua đó, góp phần giúp người tiêu dùng nhanh chóng nắm bắt các thông tin, nhận biết sản phẩm và lựa chọn hàng hóa trên cùng một không gian.
HTX Nông Nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cũng là một trong những đơn vị khai thác, phát huy hiệu quả nền tảng số để quảng bá hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, HTX Nông Nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung đang cung ứng ra thị trường nhiều dòng sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê. Sản phẩm của HTX được giới thiệu và chào bán rộng rãi trên sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, sendo, lazada, postmart, voso, trang fanpage, phần mềm bán hàng kiotviet... tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm. Thông qua các kênh bán hàng này, HTX cũng có điều kiện tương tác với khách hàng thường xuyên, kịp thời hơn để nắm bắt ý kiến, góp ý của khách hàng để ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
|
Công ty TNHH thảo dược Tây Nguyên hiện có 5 sản phẩm OCOP mang thương hiệu DATO, tất cả đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của cả tư nhân và nhà nước quản lý. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá được thương hiệu sản phẩm ra với các khách hàng trong nước. Đồng thời, thông qua kênh bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, dễ dàng nhận diện khi mua hàng hóa tại các kênh bán hàng khác.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số, khai thác thương mại điện tử là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện”. Trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể biết rõ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, thông tin chi tiết về sản phẩm, chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an tâm hơn khi mua sắm hàng hóa... Qua đó, nhà sản xuất cũng tiếp nhận lại thông tin phản hồi từ khách hàng một cách kịp thời hơn, trên cơ sở đó tiến hành cải tiến, điều chỉnh nhằm từng bước hoàn thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm của mình, đáp ứng nhu cầu thị trường; thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng nhanh chóng được mở rộng trên cơ sở niềm tin của khách hàng và nhà sản xuất.
Vì vậy, tỉnh ta đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 80% website thương mại diện tử của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến, 40-50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.
Có thể nói, xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng công nghệ số đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh trong việc đưa sản phẩm hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa, sức cạnh tranh và doanh thu cho người sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thiên Hương