Nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà kêu cứu

01/10/2021 06:05

Không chấp nhận với phương án huy động công suất điện khi chưa có sự thỏa thuận, bàn bạc nhưng ngành điện đã đơn phương cắt giảm, sa thải năng lượng điện nên hàng chục doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại tỉnh ta đã đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi tới Chính phủ, một số bộ, ngành Trung ương và cơ quan tại địa phương về những bất cập. Đồng thời, nêu những kiến nghị, đề xuất để bảo đảm sự công bằng cho nhà đầu tư.

Sự việc xuất phát từ ngày 20/9, khi Công ty Điện lực Kon Tum có thư gửi đến các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tại tỉnh thông báo về dự kiến phương thức huy động công suất điện hệ thống từ điện mặt trời mái nhà tại tỉnh đến hết năm 2021. Trong thư nêu rõ, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ trên diện rộng…đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát điện lên hệ thống. Để đảm bảo cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải sử dụng, đảm bảo an toàn hệ thống điện, phải thực hiện giảm huy động các nguồn năng lượng phát lên hệ thống, trong đó có ĐMTMN dự kiến 4 tháng cuối năm giảm gần 60% công suất của mỗi dự án. Mức công suất huy động còn 40,68% so với tổng công suất dự án.

Những tưởng sẽ có sự bàn bạc, thống nhất nhưng Công ty Điện lực Kon Tum đã tiến hành cắt điện khi chưa có sự đồng ý hay thỏa thuận gì. Hơn nữa việc cắt giảm huy động công suất điện gần 60% lại chỉ áp dụng với các nhà đầu tư ĐMTMN (?). Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc nên đã đồng loạt ký gửi đơn kiến nghị tới  bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Theo các nhà đầu tư, việc Công ty Điện lực Kon Tum đơn phương cắt giảm sản lượng là không đúng với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên trước đó. Bởi, trong hợp đồng kinh tế giữa các nhà đầu tư và Công ty Điện lực Kon Tum không hề có điều khoản quy định việc cắt giảm công suất huy động.

Nhà đầu tư điện mặt trời trên địa bàn tỉnh kêu cứu. Ảnh: V.P

 

Cũng theo các nhà đầu tư, qua thông báo thời gian cắt, đóng, thì thời gian ấn định cắt giảm được Công ty Điện lực Kon Tum đưa ra từ 8h30 đến 15h hàng ngày càng khiến các nhà đầu tư gặp bất lợi, bởi đây là thời điểm năng lượng được sản sinh nhiều (khi trời nắng), còn thời gian còn lại trong ngày thì năng lượng thu về không cao.

Các nhà đầu tư cho rằng, việc cắt giảm lên đến gần 60% sản lượng và lại cắt vào thời gian thu lợi nhiều nhất ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập. Bởi, một dự án ĐMTMN có công suất 1MW thì có mức đầu tư từ 15-20 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu là vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chiếm tỷ lệ từ 70-80% tổng mức đầu tư. Lãi suất vay vốn dao động từ 9%-12%/năm. Do đó, tiền lãi vay mà nhà đầu tư, doanh nghiệp phải trả hàng tháng từ 80-150 triệu đồng.Tiền nợ gốc phải trả dao động từ 100-150 triệu đồng/tháng. Không kể các chi phí khác như vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thuế GTGT, thuế TNCN…Trong khi đó, bình quân mỗi dự án có công suất 1MW sẽ cho doanh thu từ 280-300 triệu đồng các tháng mùa khô.

Ông Phạm Nguyễn Quốc Hoàng - Giám đốc Công ty Công nghệ Smart Home cho hay: Nếu giảm 60% thì doanh nghiệp chỉ có thu nhập khoảng 110-120 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ tiền trả lãi chứ chưa nói đến trả tiền nợ gốc, tiền lương cho công nhân. Việc cắt giảm công suất huy động này sẽ gián tiếp đẩy các doanh nghiệp và nhà đầu tư ĐMTMN đi đến con đường phá sản...

Theo ông Nguyễn Diên Tư - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hòa Bình Kon Tum, trước đó, chia sẻ khó khăn vì dịch bệnh nên từ tháng 2/2021, Công ty Điện Lực Kon Tum cũng luân phiên cắt giảm từ 15-20% công suất các dự án, chúng tôi cũng đã ủng hộ, chia sẻ và không có ý kiến gì. Thế nhưng đợt này cắt giảm đến gần 60% công suất thì chúng tôi không đồng ý vì mức cắt giảm như vậy, doanh nghiệp chúng tôi sẽ phá sản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Giáp - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết: Việc giảm huy động nguồn ĐMTMN, chúng tôi thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện trong điều kiện phụ tải sử dụng điện giảm thấp do dịch bệnh, công suất nguồn của hệ thống đang dư thừa, đây là tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia.

Đối với phản ánh của các nhà đầu tư việc Công ty Điện lực Kon Tum đơn phương cắt giảm khi chưa có thỏa thuận và đồng ý của nhà đầu tư là vi phạm hợp đồng, thì ông Giáp cho rằng, việc giảm huy động công suất gần 60% đó là phương án dự kiến chứ chưa thực hiện. Hiện, đơn vị mới đang thực hiện tiết giảm như trước đang triển khai với mức tiết giảm khoảng 30% công suất.

“Tùy theo tình hình phụ tải, để đảm bảo cân bằng giữa nguồn và phụ tải sử dụng điện, đảm bảo an toàn hệ thống, Công ty sẽ thực hiện giảm huy động từ nguồn DMTMN phù hợp với kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mức giảm huy động công suất dự kiến từ 30%-60% tùy vào vận hành hệ thống…”- ông Giáp cho hay.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khẳng định việc cắt giảm này đã diễn ra từ ngày 21/9. Đơn cử trong ngày 21/9, sau khi bị tiết giảm, dự án của đơn vị ông Phạm Nguyễn Quốc Hoàng chỉ thu được hơn 700.000 đồng, trong khi đó bình thường đơn vị thu 10 triệu đồng. Ông Hoàng cũng như các nhà đầu tư không đồng ý với việc tiết giảm như vậy vì sẽ dẫn đến phá sản.

Các nhà đầu tư ĐMTMN trên địa bàn tỉnh kiến nghị nếu bắt buộc phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện để bảo đảm vận hành an toàn thì cần có cơ chế, chính sách tương xứng với những tổn thất của doanh nghiệp và người dân.      

Văn Phương

Chuyên mục khác