Nguồn cung sụt giảm, rau xanh đội giá

13/06/2017 18:01

​Thời gian qua, do thời tiết mưa liên tục khiến cho việc trồng rau của nông dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn cung rau bị sụt giảm. Điều này đã làm giá rau xanh trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt, các loại rau ăn lá tăng giá rất cao.

Có mặt tại chợ đêm phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum), khác với bình thường rau được thương lái chở bằng xe tải, xe máy nườm nượp tới chợ rồi ào ào cân, đếm mớ cho những người bán buôn, bán lẻ theo yêu cầu, thì hiện nay số lượng thương lái chở rau về chợ thưa thớt và lượng rau cung ứng cũng phải giới hạn cho từng người.

Theo các thương lái, đợt này lượng rau sản xuất ít, nguồn cung khan hiếm nên mỗi người phải chịu thiệt một chút để ai cũng có rau bán.

Điều này đã đẩy giá rau trên thị trường lên cao, trung bình tăng 1,5– 2,5 lần so với mức giá thường ngày.

Tại chợ đêm phường Quyết Thắng lượng rau bán ra ít và không phong phú như ngày thường. Ảnh: N.T

 

So với thời điểm giữa tháng 5, hiện tại giá bán lẻ một số loại rau trên thị trường có mức tăng từ 1,5 đến 2,5 lần: Rau muống tăng từ mức 5.000 đồng/bó lên 9.000 – 10.000 đồng/bó; cải cúc tăng thêm 7.000 đồng/bó lên mức 12.000 đồng/bó; đậu cove, khổ qua, cải ngọt tăng thêm khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg lên mức 15.000 – 17.000 đồng/kg; rau khổ qua tăng từ mức 10.000 đồng/bó lên 15.000 đồng/bó; giá cà chua cũng tăng thêm 12.000 đồng/kg lên mức 20.000 đồng/kg; cải thảo tăng từ 8.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; xà lách búp từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg...

Riêng các loại củ quả như cà rốt, khoai môn, khoai tây, củ cải, nấm tuy có tăng giá nhưng mức tăng không nhiều.

Chị Hường – một người bán rau tại chợ nhỏ phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) cho biết: Ngoài bí xanh vẫn giữ mức giá như bình thường, còn tất cả các loại rau đều tăng rất cao. Rau đắt mà còn không có rau để bán, chưa kể giá lấy sỉ cao nên lúc bán lẻ mình cũng phải giảm lợi nhuận xuống để giữ chân khách hàng, thành ra rau đắt vừa khó bán lại kém lời.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại nguồn cung rau từ Gia Lai, Đà Lạt  đều ít nên lượng rau trên thị trường chủ yếu chỉ trông vào nguồn rau do nông dân trên địa bàn tỉnh cung ứng. Trong khi đó, thời tiết mưa liên tục khiến nhiều loại rau như rau cải, cải cúc, mồng tơi… phát triển chậm, dập nát. Vả lại thời tiết thất thường kéo dài khiến sâu bệnh hại phát sinh nhiều, năng suất rau giảm mạnh so với thời điểm thuận lợi, ngay cả rau muống là loại rau trồng trong mùa mưa cũng không lên nổi.

Mặt khác, khi mưa thuận gió hoà, các hộ gia đình còn có thể tự trồng thêm được nhiều loại rau ăn lá trong vườn, thùng xốp tự cung ứng cho nhu cầu của mỗi nhà, nhưng thời tiết này rất ít nhà trồng được rau ăn mà hầu như đều phải mua khiến cho mức tiêu thụ rau trên thị trường càng bị đẩy lên cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Doan (tổ 11, phường Quang Trung) kể: Mọi năm, cứ mùa mưa, tôi làm luống cao để trồng rau, tuy năng suất không thể bằng mùa nắng nhưng vẫn đảm bảo có rau bán lai rai. Song năm nay, mưa dài và có nhiều trận mưa lớn, hết mưa thì lại nắng gắt nên cây rau không thể thích nghi nổi, cây lấy lá thì thối gốc, thối rễ, chùn ngọn; cây lấy quả thì rụng non, thối hết... Bình thường, ngày nào nhà tôi cũng làm đủ các loại rau ra chợ bán lẻ, nhưng nửa tháng nay giá rau đắt mà không có để bán. Trời mưa kéo dài, đám rau trồng rồi không lên được, còn chỗ chưa trồng thì đất ướt cũng không xuống giống được nên chắc tình hình không có rau bán còn kéo dài.

Còn anh Nguyễn Duy Điệp (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) thì chia sẻ: Rau canh tác trong nhà màng còn phát triển được chứ rau gieo trồng trên ruộng không có che chắn chậm phát triển và sâu bệnh hại nhiều. Do vậy, nông dân chúng tôi phải bán giá cao hơn để bù lại những thiệt hại do thời tiết, còn riêng rau trồng trong nhà màng thì hồi giờ giá vẫn cao hơn rau sản xuất đại trà.

Giá rau tăng cao do nguồn cung khan hiếm là điều dễ hiểu và người tiêu dùng đều coi đây là tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng băn khoăn nhất là làm sao mua được rau an toàn bởi trong điều kiện trồng rau khó, nhưng rau lại được giá nên sợ rằng một số nông dân hám lợi sẽ sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, thuốc hoá học độc hại kích thích để nhanh chóng thu được sản phẩm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng. 

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác