Người Xơ Đăng làm cánh đồng mẫu lớn

02/03/2018 13:16

​“Người Xơ Đăng đã làm được cánh đồng lớn rồi. Cuộc sống giờ no ấm, khỏe mạnh hơn xưa. Hy vọng sẽ có nhiều người góp đất cùng nhau xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để đem lại ấm no cho thôn làng” - A Đế ở làng Kon Vi Vàng xã Đăk Tờ Lùng hồ hởi khoe với chúng tôi về thành quả lao động 1 năm qua của làng mình.

Cánh đồng lớn, công việc nhàn

Đăk Tờ Lùng, một xã vùng sâu của huyện Kon Rẫy. Bao đời nay, người dân ngoài lúa rẫy, cây mì là cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, điều kiện địa hình nơi đây bị chia cắt vì đồi núi, đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân rất vất vả trong lao động, sản xuất.

“Mì trồng 2 năm mới cho thu hoạch, giá bấp bênh. Trồng mì tốn nhiều công như cày đất, làm cỏ, thu hoạch, thuê xe chở… rất vất vả” - A Đế bộc bạch.

Trước thực trạng trên, đầu năm 2017, chính quyền phối hợp với Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen vận động người dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để trồng bắp lấy cây.

Ngày đầu tuyên truyền, nhiều người hoài nghi việc làm trên. Một số người sợ góp đất cho doanh nghiệp sẽ mất đất. Sản xuất theo chuỗi giá trị dân không biết làm. Trồng bắp trong 1 năm thu hoạch 3 lần, không một ai tin…

Tuy nhiên, khi chính quyền vào cuộc, vận động, đã có 10 hộ dân ở làng Kon Vi Vàng và Kon Mong Tu góp 7,3ha đất vào trồng bắp. Trong đó có tới 9 hộ là người Xơ Đăng.

Ngày đầu ra đồng, mọi người bất ngờ khi thấy xe cày sới đất, dân không phải làm. Cày xong, xe tạo hàng thẳng tắp, dân chỉ bỏ giống theo hàng. “Ai làm cũng được” - một người dân thừa nhận.

Là hộ tiên phong, Y Lẻ rất lo nhưng bà tin, chính quyền sẽ giúp dân no ấm. Đôi chân của người phụ nữ đã có 70 mùa rẫy bỗng thanh thoát khi ra đồng cùng mọi người trồng bắp. Bà hăng hái làm mẫu, xuống hạt giống, bón phân.

“Mình già nhưng vẫn làm được cùng con cháu trong làng” - bà Y Lẻ khẳng định.

“Y Lẻ già, làm được thì ai cũng làm được” người làng Kon Vi Vàng nghĩ.

“Dân làng rất vui, cánh đồng lớn nhưng công việc nhàn, trẻ con đến người lớn, người già ai cũng làm được” - bà Y Lẻ kể lại.

Khi cây phát triển, để chống hạn cho cây, một máy bơm nước công suất lớn được đặt ngay tại cánh đồng. Nước từ dòng suối bơm trực tiếp, tỏa khắp cánh đồng giúp cây chống hạn. Tất cả chi phí dân không tốn.

Bắp lên cao, phủ bóng nên cỏ không mọc nhiều. Gần ba tháng sau khi trồng, người dân bắt đầu “hái” quả ngọt cho riêng mình.

Cả một cánh đồng lớn của làng Kon Vi Vàng nhưng công việc thu hoạch rất gọn nhẹ. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua ngay tại rẫy, dân không còn thuê xe. Công chặt nhàn hơn nhổ mì, mỗi nhà mất 3 tiếng đồng hồ để thu hoạch, giúp hạn chế chi phí.

“So với trồng các loại cây khác, nhất là mì, trồng bắp ở cánh đồng lớn nhàn hơn. Công chăm và thu hoạch gọn nhẹ. Doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng nên ai cũng mừng. Giá được đảm bảo ổn định, không lên xuống như cây mì. Mỗi sào trừ chi phí dân lãi gần 3 triệu đồng. Một năm trồng 3 lần thì cho thu nhập rất cao so với cây mì. Giờ mọi người an tâm với việc làm cánh đồng lớn rồi” - A Đế thừa nhận.

Ngoài Đăk Tờ Lùng, người Xơ Đăng ở xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) cũng góp đất trồng được 9ha bắp.

Mở rộng mô hình

Trong khi đó, tại Kon Plông, một huyện nghèo 30a của tỉnh, chính quyền cũng giúp dân làm cánh đồng lớn, thay cho phương thức sản xuất cũ. Cánh đồng mẫu lớn được chọn là xã vùng cao, vùng sâu Măng Bút, nơi sinh sống của người Xơ Đăng đã mở lối cho người dân nơi đây thoát nghèo.

Trồng bắp ở cánh đồng lớn công chăm và thu hoạch gọn nhẹ, giá cả ổn định, không lên xuống như cây mì. Ảnh: C.N

 

Từ những mảnh đất manh mún, năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao, đến nay, sau 1 năm làm cánh đồng lớn đã có 10ha đất trồng bắp được hình thành tại xã Măng Bút.

"Đất người dân bỏ hoang nhiều, không ai chịu làm, một ít diện tích trồng mì. Được chính quyền vận động, doanh nghiệp hỗ trợ, bà còn Xơ Đăng tham gia trồng bắp ở cánh đồng lớn. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết từ trái, đến thân, lá" - anh A Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết.

Cũng như Kon Rẫy, để hình thành cánh đồng, xã Măng Bút phải nhiều lần tổ chức họp dân, vận động mọi người cùng tham gia. Khi trồng, Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen đã hỗ trợ công cày, tạo lối, hỗ trợ giống, vật tư, đưa cán bộ kỹ thuật về làng cùng dân trồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cam kết bao tiêu sản phẩm cho dân.

Trồng gần 3 tháng, khi hạt bắp vừa ngậm sữa là thu hoạch, đây là thời kỳ cây nặng ký nhất. Bà con bán ngay tại ruộng, giá cao.

"Doanh nghiệp đến ruộng mua, chở đi, rất khỏe" - anh A Hao, làng Long Rủa phấn khởi.

Theo A Hao, đất trồng bắp, trước trồng lúa, trồng mì cho năng suất thấp, nhiều diện tích đất bỏ không. Trồng mì 2 năm mới thu hoạch, chi phí cao. Khi trồng bắp trên cùng diện tích, cây phát triển tốt, chi phí thấp, cho thu nhập cao, bà con rất mừng.  Hiện tại, xã Măng Bút đã phát triển được 20ha bắp tại 2 cánh đồng làng Long Rũa và làng Măng Bút.

Sản phẩm cây bắp được doanh nghiệp thu mua về làm thức ăn cho đàn dê nuôi lấy sữa nên người dân khi trồng bắp không được dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả phải theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật.

Theo ông Võ Đình Viết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết, trong quá trình trồng, doanh nghiệp hỗ trợ giúp dân ứng vốn. Khi thu hoạch mới thu hồi vốn. Theo tính toán, mỗi héc ta cho từ 25-35 tấn bắp cây. Một năm, người dân sản xuất 3 vụ, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập cao vượt trội so với các loại cây trồng khác mà người Xơ Đăng đang trồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Kon Plông sẽ phát triển từ 800ha đến 1.000ha chuyên canh sản xuất theo kiểu cánh đồng lớn.

Trước thành công bước đầu của các cánh đồng mẫu lớn cho người Xơ Đăng ở vùng sâu, vùng xa, đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Xuất phát từ điều kiện thực tiễn địa hình Kon Tum chia cắt, diện tích sản xuất của nhân dân không lớn, nhỏ lẻ; hiệu quả sản xuất không cao, đời sống của nhân dân khó khăn. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, tỉnh tập trung phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, Kon Tum sẽ tích tụ đất đai để hình thành cánh đồng lớn, hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

“Qua một năm triển khai đến nay hiệu quả cao. Thu nhập trên 1 đơn vị diện tích của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây tăng được gấp 3 lần so với những năm trước đây” - đồng chí Nguyễn Đức Tuy khẳng định.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian tới tỉnh tập trung vào phát triển mạnh các cánh đồng mẫu lớn để trồng mía (gắn với nhà máy đường); trồng bắp, cỏ nuôi bò, nuôi dê, gắn với nhà máy sữa dê và nuôi dê. Ngoài ra, tích tụ đất đai để phát triển cây dược liệu đối với vùng Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei để hình thành vùng dược liệu lớn theo đề án của tỉnh và chủ trương của Chính phủ.

Cao Nguyên 

Chuyên mục khác