Người trồng hoa tất bật ngày cận Tết

04/01/2023 06:29

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đến gần, thời điểm này người trồng hoa ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum đang tất bật với những công đoạn chăm sóc cuối cùng trước khi bán Tết.

Chúng tôi có mặt tại phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) trong những ngày này và cảm nhận được sự nhộn nhịp, khẩn trương của các nhà vườn trồng hoa. Đây là một trong những nơi cung cấp lượng hoa lớn vào mỗi dịp Tết cho thị trường trong tỉnh.

Sáng sớm, khi ngoài trời còn đậm hơi sương, ông Hoàng Anh (tổ 1, phường Nguyễn Trãi) đã bận rộn với công việc của mình ngoài vườn hoa.

Năm nay, gia đình ông Hoàng Anh chuyển đổi 800m2 đất trồng rau sang trồng gần 2.000 gốc hoa cúc, vì dự đoán Tết năm nay nhu cầu chơi hoa của người dân sẽ tăng cao sau 2 năm dịch bệnh .

Cắt tỉa nụ hoa cúc. Ảnh: YĐ 

 

Tay thoăn thoắt tỉa nụ cho luống hoa cúc, ông Anh chia sẻ: Tôi trồng chủ yếu giống hoa cúc pha lê. Thời gian này, tôi phải tỉa bớt nụ, mỗi cây chỉ để lại 1 nụ chóp và 1 - 2 nụ nữa để đến lúc thu hoạch cây cho 1 hoa to và 1 - 2 nụ lộc bên cạnh. Hoa cúc thường cho thu hoạch sau khi trồng từ 3-4 tháng tùy thời tiết. Gần Tết là thời điểm quan trọng quyết định chất lượng hoa nên chúng tôi phải tập trung chăm sóc. Mấy tháng trước, giá hoa rất rẻ, thời điểm này hoa mới bắt đầu được giá với 1 bó (8-10 bông) bán được với giá 15-20 nghìn đồng. Đúng vụ hoa Tết tôi chỉ mong thời tiết thuận lợi, giá hoa ổn định.

Để phục vụ cho thị trường hoa Tết năm nay, gia đình ông Lê Minh Phê (tổ 5, phường Nguyễn Trãi) trồng 1.000 chậu hoa cúc, 200 chậu hoa thược dược. Nhờ tích luỹ hơn 30 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa, bảo đảm quy trình từ khâu làm đất, xuống giống, áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn hoa cúc và thược dược của gia đình ông Phê đang phát triển tốt. 

Theo ông Phê, để có sản phẩm hoa chất lượng người trồng hoa phải thực hiện rất nhiều công đoạn chăm sóc kĩ càng, họ phải dầm mưa dãi nắng trong thời gian gần 5 tháng, từ xuống giống, chăm sóc cho đến khi ra hoa. Ngoài việc nhổ cỏ, làm đất thì cây hoa còn cần phải cắt tỉa, phun chế phẩm sinh học, bón phân đúng thời điểm thì cây hoa mới phát triển tốt nhất. Để kịp đưa hoa ra thị trường Tết, những ngày này ông phải thuê nhân công làm việc trong vườn để chăm sóc, bọc lưới, tỉa nụ cho hoa đạt chất lượng và nở đúng dịp như dự tính.

Ông Phê đang chăm sóc vườn hoa thược dược. Ảnh: Y.Đ

 

Gần đó, gia đình ông Lê Bảo Tường, cũng đang tất bật tưới cho từng chậu hoa. Tưới xong, ông bắt tay vào lặt nụ hoa. Cùng chung hy vọng vụ hoa Tết được giá. Năm nay gia đình ông xuống giống 200 chậu hoa cúc, nhiều hơn 50 chậu so với năm trước.

“Tôi có dự cảm năm nay hoa trúng giá nên tăng lên thử coi sao” - lão nông có hơn 10 năm kinh ngiệm trồng hoa Tết cho biết. Theo ông Tường, chi phí về vật tư như phân bón, thuốc bảo bệ thực vật đã giảm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn còn cao so với những năm trước đại dịch. Không chỉ khó khăn về chi phí, những ngày mới xuống giống thời tiết mưa thất thường khiến hoa giống bị sâu bệnh tấn công. Sau mỗi cơn mưa, ông phải phun thuốc vừa trị bệnh vừa phòng ngừa, nếu không bệnh dễ lây lan khắp vườn.

Ở phường Nguyễn Trãi, ngoài gia đình ông Phê, ông Tường và ông Anh còn có hơn 50 hộ dân khác trồng hoa, mọi người phấn khởi vì vụ hoa năm nay gieo trồng đều được các thương lái đến đặt mua. Theo ông Phê, cúc chậu và thược dược chậu màu sắc đẹp rất được ưu thích nên hút hàng. Năm nay, bà con vẫn giữ giá thành bán ra như mọi năm, giá cúc chậu từ 400 đến 500 nghìn đồng/chậu, thược dược chậu từ 150 đến 200 nghìn đồng/chậu. Hiện vườn của ông Phê đã được thương lái đặt mua số lượng lớn.

Hiện thời tiết đang có nhiều dấu hiệu tích cực, thuận lợi cho cây hoa phát triển, vì thế, tất cả hộ dân trồng hoa ở phường Nguyễn Trãi nói riêng, thành phố Kon Tum nói chung đều chung một niềm hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết khởi sắc. 

Y Đô

Chuyên mục khác