08/02/2020 13:01
Mất mùa, mất giá
Thời tiết năm nay không khí lạnh kéo dài, người trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô chưa hết lo lắng bởi một vụ dưa thất bát, thì tiếp đến khi thu hoạch dưa hấu lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Một vài năm trước, vào thời điểm này, khi thị trường xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc bấp bênh, người nông dân thường bị các thương lái ép giá nhưng vẫn có người mua. Nhưng năm nay, kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, những hộ nông dân trồng dưa hấu thu hoạch sau thời điểm này đều bán không có người mua, vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (dịch bệnh nCoV) đã làm cho việc xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc (một trong những thị trường chính tiêu thụ dưa hấu của Việt Nam) bị ngưng trệ.
Theo tính toán của những người trồng dưa, mỗi hecta trồng dưa, người dân bình quân bỏ vốn đầu tư từ 80 - 90 triệu đồng và thu hoạch bình quân từ 40 - 45 tấn dưa. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên sản lượng dưa ở nhiều chân ruộng giảm nhiều so với mọi năm. Vậy mà dưa hấu không tiêu thụ được, coi như vụ dưa năm nay người nông dân phải đối mặt với tình trạng vừa mất mùa, vừa mất giá.
Thương lái “bỏ của chạy lấy người”
Chỉ vài tuần trước đây, nhiều thương lái dự đoán năm nay do thời tiết lạnh kéo dài, mất mùa nên giá sẽ cao hơn mọi năm trước. Vì vậy, thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều thương lái đổ xô đi lùng sục các đám dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô để “đặt cọc” tiền trước cho chủ vườn nhằm bảo đảm nguồn cung với hy vọng sẽ thu lãi lớn. Nhưng đến nay, khi đến kỳ thu hoạch, chủ ruộng dưa nhiều lần liên lạc với các thương lái đến thu mua nhưng tất cả các thương lái đều từ chối.
Khi được hỏi vì sao không tiếp tục thu mua dưa hấu như hợp đồng cam kết với các hộ nông dân trồng dưa, bà T.T.S - một thương lái chuyên thu mua dưa hấu than vãn: Thôi chú ơi, đừng nhắc đến mua bán dưa hấu làm gì nữa, cũng bởi vì dưa hấu mà chỉ trong vòng chưa đầy tuần nay vợ chồng chúng tôi mất trắng hơn nửa tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán vài ngày, đi xem các ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch chúng tôi chốt giá với người dân là sẽ thu mua 7.000 đồng/kg. Đón Tết Nguyên đán xong được vài ngày, chuẩn bị thu gom dưa thì nghe nói dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang hoành hành bên Trung Quốc và hai bên đóng cửa khẩu nên hàng ngàn tấn dưa hấu giờ không biết bán đâu.
“Chỉ tính riêng trên địa bàn 2 xã Diên Bình và Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) vợ chồng chúng tôi đặt cọc tiền trước gần 400 triệu đồng cho các hộ trồng dưa. Mấy ngày nay các hộ dân trồng dưa điện thoại réo liên tục hối lên cắt dưa và sẵn sàng hạ giá bán xuống còn 2.500 đồng/kg nhưng nếu tôi cắt dưa hấu rồi bán cho ai đây, vì không thể xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, giá dưa mua tại ruộng hiện nay ở một số huyện của tỉnh Gia Lai hạ xuống chỉ còn 500 đồng/kg mà cũng chẳng mấy ai mua. Thế nên chúng tôi đành phải mất trắng tiền đặt cọc. Mấy hôm nay nóng gan, nóng ruột như đang ngồi trên đống lửa vì hơn nửa tỷ đồng của gia đình tôi không cánh mà bay theo con vi rút Corona chỉ trong chốc lát...” - bà T.T.S giãi bày thêm.
|
Người trồng dưa lao đao
Không còn cách nào khác, thương lái thì đành “bỏ của chạy lấy người”, còn người nông dân trồng dưa hấu thì bỏ bao nhiêu vốn liếng, dầm sương dãi nắng để bám trụ với ruộng dưa giờ cũng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh nCoV.
Ông Lương Văn Hội - người trồng dưa ở thôn 4, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) than thở: Mùa dưa hấu năm nay tôi và đứa con trai cùng nhau trồng gần 5ha. Những ngày trước Tết Nguyên đán 2020, khi dưa còn xuất sang Trung Quốc, chúng tôi kịp thu hoạch được gần 2ha bán nhưng vẫn không có lời lãi bao nhiêu. Nguyên nhân là do năm nay đợt không khí lạnh kéo dài nên sản lượng dưa không đạt như mọi năm. Bao nhiêu hy vọng sẽ thu hồi vốn và có thêm tiền trang trải cuộc sống đều đặt hết vào 3ha dưa còn lại sẽ thu hoạch sau đợt Tết này. Thế nhưng, hy vọng đó đã tiêu tan theo mây khói.
Dừng lại châm điếu thuốc lá rít một hơi, ông Hội cho biết thêm, mấy hôm nay, nhiều người trồng dưa lân cận ruông dưa nhà tôi cũng đến kỳ thu hoạch, dưa nằm đầy ruộng nhưng vẫn không thấy ai đến mua. Hiện, tôi còn 3ha dưa sắp đến kỳ thu hoạch khoảng 130 tấn, nhưng giá dưa hấu tại ruộng tuột dốc từng ngày như hiện nay thì việc một mùa dưa thất bát nữa lại đến sẽ khó tránh khỏi. Hiện, dưa chưa thu hoạch, nhưng do giá xuống quá thấp nên việc chăm sóc, canh giữ dưa của các chủ vườn không còn coi trọng như trước đây. Một số người già, trẻ em trong khu vực lân cận hàng ngày ra đám xin cả bao dưa mang về là chuyện bình thường...
Đã hơn 5 giờ chiều, không khí lạnh bắt đầu kéo tới nhưng anh Lương Ngọc Tuấn vẫn ngồi tần ngần bên đống dưa mới thu hoạch gần 2ha của mình đổ bán khu bùng binh lên xã Pô Kô than thở: Chắc chắn những ngày tiếp theo giá dưa hấu sẽ còn xuống thấp nữa, vì lúc này nhiều người thu hoạch rộ, như vậy người dân “ôm nợ” vì một vụ dưa hấu thất bát đã quá rõ. Riêng chi phí giống, tiền thuê đất, phân bón, bạt ni lông để dẫn nước… cho 4ha dưa hấu, số tiền gia đình tôi đầu tư cũng lên đến khoảng 350.000 triệu đồng. Đó là chưa kể hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc. Mấy ngày nay gia đình tập trung hết công suất vừa bán lẻ, vừa chở đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng để chào hàng. 2 hecta dưa còn lại cũng chuẩn bị thu hoạch mà hiện giờ chưa biết tính sao, vì dưa bán quá chậm. Nhiều người trồng dưa ở đây đều không muốn thu hoạch, mặc dù dưa đang bắt đầu chín tới...
Ông Nguyễn Thành Thông - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết, do giá cả dưa hấu những năm gần đây không ổn định nên huyện Đăk Tô không giao diện tích về cho các địa phương. Đầu ra của dưa hấu lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên người nông dân không chủ động được đầu ra. Năm nay, các địa phương của huyện Đăk Tô trồng dưa hấu nhiều trên địa bàn huyện là xã Diên Bình, xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô. Nhưng so với mọi năm thì năm nay diện tích trồng dưa hấu không nhiều bằng, nhiều diện tích trồng dưa hấu trước đây, giờ thay thế bằng cây chanh dây…
Như vậy, đầu ra của dưa hấu chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những năm trước đây, khi chưa có dịch bệnh nCoV, chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom nông sản đẩy giá lên cao, sau đó ngưng thu mua khiến giá nông sản lao dốc không phanh đã không còn lạ lẫm đối với người dân Kon Tum. Vậy là lần này chúng ta lại có thêm bài học đắt giá cho phong trào trồng nông sản xuất sang Trung Quốc. Chỉ tiếc công sức người nông dân đổ ra cho loại cây trồng này chẳng khác nào một canh bạc, mà phần thua luôn nghiêng về người nông dân!
Bảo Châu